Phúc trình của Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) xuyên tạc bản chất Pháp luật Việt Nam

Những ai quan tâm đến hoạt động của tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Hoa Kỳ thì đều biết, hàng năm, tổ chức này đều có “Phúc trình” mà nội dung của nó nếu không phải là sự xuyên tạc thì cũng là việc cường điệu những cái gọi là vi phạm các quyền con người ở các quốc gia, nhất là các quốc gia cộng sản, đặc biệt là Việt Nam. Hàng năm tổ chức này còn trao giải thưởng “Bảo Vệ Nhân Quyền” cho những người mà theo họ đã dũng cảm đấu tranh bảo vệ quyền con người ở các quốc gia. Và dường như năm nào HRW cũng “ ưu tiên” cho những người, mà họ gọi là “ bất đồng chính kiến” ở Việt Nam. Có thể nói tất cả những người được HRW tặng thưởng đều là những người đã từng vi phạm pháp luật Việt Nam. Về mối quan hệ giữa báo cáo của HRW với các Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chúng ta sẽ trở lại ở phần sau của bài viết này.
Năm nay, HRW có “sáng kiến” công bố báo cáo “chuyên đề” về cái mà họ gọi là “Tình trạng bạo hành của công an Việt Nam”. Tại buổi công bố Báo cáo, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của Human Rights Watch, có nói: những cứ liệu của báo cáo này “Dựa vào kết quả tập hợp và phân tích thông tin từ những cơ quan truyền thông “lề phải” trong nước”.               
Thật đáng tiếc, ông Phil Robertson đã quên rằng, trong các báo cáo trước đây của tổ chức này, thường nói rằng: ở Việt Nam “không có tự do ngôn luận, báo chí”. Báo chí thường chỉ nói về thành tích của Đảng, nhà nước…
Không phủ nhận rằng, tình trạng ép cung, bức cung, sử dụng nhục hình, là một thực tế vẫn đang tồn tại trong cán bộ, công chức ngành bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng ở tất cả các quốc gia. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, sau vụ khủng bố 11/9/2001 Mỹ đã dùng nhà tù ở vịnh Guantanamo bắt giữ nhiều nghi can trong nhiều năm mà không được đưa ra xét xử. Gần đây nhiều phương tiện truyền thông cho biết CIA đã có nhà tù bí mật ở Djibouti (châu Phi). Ở đó nhiều tù nhân bị tra tấn và không được đưa ra xét xử. Ở Hoa Kỳ không chỉ tù nhân bị tra tấn mà thậm chí người bị cho rằng “có thể” chống lại cảnh sát đã bị bắn chết. Đó là trường hợp một thanh niên da màu có tên là Michael Brown, 18 tuổi ở bang Missouri bị một nhân viên cảnh sát bắn chết trong khi anh không hề có vũ khí. Cái chết của người thanh niên này không chỉ nói lên tình trạng bạo hành trong ngành cảnh sát Hoa Kỳ mà còn nói lên tình trạng phân biệt chủng tộc ở đây còn rất nặng nề.
Ngày nay nói đến cái gọi là “Phúc trình” của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), có trụ sở ở Hoa Kỳ thì ai cũng có thể đoán được nội dung của Văn bản đó là gì. Hàng năm, cứ trước hoặc sau Báo cáo của HRW là có “Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền thế giới”, “Báo cáo thường niên về Tự do Tôn giáo quốc tế” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Cũng trước hoặc sau các Báo cáo của HRW  là những cuộc  “Điều trần” tại Hạ viện về tình hình vi phạm trắng trợn “các quyền vốn có” của những người “bất đồng chính kiến” hoặc những “tù nhân lương tâm” của “Hà Nội” (cái tên mà các ông Nghị sỹ Hạ viện Hoa Kỳ không quen văn hóa ngoại giao đã dùng để chỉ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Tiếp đó là những “Dự luật nhân quyền Việt Nam,  năm… (nào đó)” được soạn thảo, để trình trước Hạ viện… và rồi đệ trình lên Thượng viện. Nếu người ta so sánh đối chiếu thì thấy dường như những chứng cứ mà Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trong các báo cáo hoặc các nhân chứng trong các cuộc “Điều trần” tại Hạ viện với “Phúc trình” của HRW về căn bản là giống nhau về số liệu, sự kiện; là “một giuộc” về sự kỳ thị đối với chế độ “Cộng sản”. Nói một cách thẳng thắn, HRW là người sưu tầm, cắt gọt, tạo dựng chứng cứ cho các báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Quan điểm của HRW thì ai cũng biết. Bảo vệ nhân quyền là cái cớ, nói cho chính xác đó là phương tiện để tổ chức này xuyên tạc, bôi nhọ các chế độ xã hội mà Hoa Kỳ không ưa, đặc biệt là các quốc gia Cộng sản. Tất nhiên HRW đôi khi đã bị lỗi “việt vị”, báo cáo của họ lại đi ngược lại lợi ích của Hoa Kỳ, đi ngược lại lợi ích của chính họ. Vì sự kỳ thị với chế độ xã hội XHCN Việt Nam mà tổ chức này đã bị “cấm cửa”, trong khi hầu hết các cơ quan nhân quyền quốc tế đã được mời vào Việt Nam.
Trở lại chủ đề “bạo hành” ở Việt Nam trong “Phúc trình” của HRW, nếu tổ chức này có cái nhìn khách quan thì phải biết, đối với mỗi quốc gia, vấn đề bạo hành, ép cung, bức cung không phải là có hay không có mà là đường lối hình sự, Hiến pháp, pháp luật quốc gia đó có cho phép hành vi đó tồn tại hay không?
Trên báo chí và diễn đàn chính trị xã hội Việt Nam vừa qua, trong đó có Quốc hội, vấn đề bức cung, ép cung, sử dụng nhục hình đã được đề cập một cách khách quan và phân tích sâu sắc. Nhiều vụ án đối với những người có hành vi sử dụng nhục hình đã bị xét xử nghiêm khắc, bất chấp quá trình, chức vụ công tác của họ.
Gần đây triển khai Hiến pháp 2013 , ngày 11/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về chống bức cung, nhục hình với sự tham gia của Bộ Công an, VKSND Tối cao. Nhiều đại biểu cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hình sự, xử nghiêm cán bộ, công chức sử dụng nhục hình, ép cung, bức cung bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp 2013.
Sáng 2/10, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc phê chuẩn công ước Chống tra tấn đã được đưa ra thảo luận. Báo cáo của Chính phủ do Bộ Công an trình bày tại phiên họp khẳng định, việc phê chuẩn công ước là sự kiện pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ nhân quyền, góp phần thực thi Chương 2 của Hiến pháp về quyền con người. Trên thực tế không phải hành vi bức cung, ép cung, sử dụng nhục hình cho đến nay pháp luật Việt Nam mới nghiêm cấm. Luật Hình sự và Tố tụng hình sự đã có những quy định về hành vi  này. Việc Việt Nam ký kết và phê chuẩn công ước “Chống tra tấn” một lần nữa thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta nhằm chống tra tấn, hạ nhục con người. Như thông tin đại chúng đã đưa Việt Nam đã ký Công ước này vào tháng 11/2013 và dự kiến việc Quốc hội sẽ phê chuẩn tại kỳ họp thứ 8, khai mạc vào cuối tháng 10 này.
Việc HRW dựa vào một số thông tin chưa được kiểm chứng về tình trạng bạo hành của Công an Việt Nam, với sự kỳ thị sẵn có ra “Phúc trình” cường điệu hóa hiện tượng này, đồng thời bỏ qua tất cả các quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam về bảo vệ con người, có thể nói HRW đã xuyên tạc bản chất nhân đạo, tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam. Việc làm đó cần phải nghiêm túc xem lại.
Vọng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét