QĐND - Phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc của
Đảng và Nhà nước Việt Nam là một trong những mục tiêu mà các thế lực thù địch
không bao giờ từ bỏ trong thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình".
Các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ... là những địa bàn trọng điểm chống
phá của các thế lực thù địch. Cách đây ít năm, hòng kích động, chia rẽ người
Kinh với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, các thế lực thù địch đã sử dụng tổ
chức FULRO tuyên truyền xuyên tạc, rằng "Tây Nguyên là của người
Thượng", "Đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên phải liên kết lại đuổi người
Kinh về xuôi"... Với tinh thần cảnh giác cao độ của người dân, cùng
với các biện pháp nghiệp vụ kiên quyết của lực lượng chức năng, chúng ta đã
phát hiện và đấu tranh ngăn chặn kịp thời những âm mưu và hành động phá hoại
đó.
Nhưng các thế lực thù địch không dễ gì từ
bỏ. Chúng vẫn luôn tìm cách phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc
của chúng ta. Những chiêu trò mà chúng thực hiện như những “nọc độc” vẫn
hằng ngày, hằng giờ len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, lợi dụng sự
lơ là, chủ quan, mất cảnh giác của người dân để tiêm nhiễm, chống phá. Mặc
dù các cơ quan bảo vệ pháp luật, lực lượng chức năng của Việt Nam đã bắt
giữ, xử lý nhiều đối tượng nhưng những chiếc "vòi bạch tuộc" của tổ
chức FULRO vẫn không ngừng tìm cách vươn xa, chui sâu vào từng ngõ
ngách của xã hội để tiến hành các hoạt động móc nối, lôi kéo những
phần tử xấu ở trong nước thực hiện các hoạt động chống phá Việt Nam quyết liệt
hơn. Điển hình vào cuối tháng 9-2014, tại huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, lực lượng
Công an đã bắt giữ 3 đối tượng cầm đầu, gồm: Rmah Blot (54 tuổi),
Ksor Hlip (59 tuổi) và Kpă Chul (64 tuổi), cùng trú tại huyện Chư Pưh. Qua đấu
tranh khai thác, ta nắm được từ tháng 9-2013 đến nay những đối tượng này
đã nhiều lần liên lạc, nhận sự chỉ đạo của một số đối tượng FULRO lưu vong
ở nước ngoài để tuyên truyền, lôi kéo bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn
huyện Chư Pưh bỏ sinh hoạt tôn giáo truyền thống, tập trung nhóm họp "Tin
lành Đề Ga", âm mưu chia rẽ người Kinh và người Thượng, kích động chống
Đảng, chính quyền; tiếp tục gây dựng cơ sở hoạt động hòng thành lập cái gọi là
“Nhà nước Đề Ga”...
Để tuyên truyền, lôi kéo được nhiều người dân tham
gia vào những chiêu trò của tổ chức phản động này, chúng thường dùng
tiền mua chuộc những người nhẹ dạ cả tin, sau đó cung cấp tài liệu phản động để
chỉ đạo phát tán. Cũng có nơi chúng lợi dụng sự sơ hở trong công tác quản lý
của chính quyền, cơ quan chức năng để tổ chức chiếu đĩa DVD tuyên truyền về
“Tin lành Đề Ga” cho nhiều người xem và lôi kéo những người dân nhận thức
hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, hám lợi trước mắt tham gia vào tổ chức
này.
Mặc dù thực tiễn đã khẳng định rõ sức mạnh của
khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng các thế lực thù
địch phản động luôn tìm cách xuyên tạc, phủ nhận. Để thực hiện mưu đồ đó, một
số đối tượng đã phát tán tài liệu bịa đặt, dựng cảnh người dân ăn mặc rách
rưới, nhem nhuốc... rồi chụp ảnh, quay camera gửi ra nước ngoài
tung lên một số trang mạng nhằm bôi nhọ chế độ, xuyên tạc nhiều chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Địa bàn chúng thường hoạt động là ở
các buôn, làng thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Nhưng tất cả những chiêu trò đó không qua được tai mắt nhân dân và các lực
lượng chức năng.
Lợi dụng những diễn biến phức tạp, khó lường của
tình hình thế giới và khu vực, các thế lực thù địch phản động, trong đó có
tổ chức FULRO lưu vong vẫn ra sức thực hiện chiến lược “diễn biến hòa
bình”, gây bạo loạn lật đổ, tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo hòng
phá hoại thành quả cách mạng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc
của Việt Nam. Nhưng dù bằng chiêu thức gì chăng nữa, các thế lực thù địch phản
động cũng không thể phủ nhận được thành tựu to lớn của cách mạng Việt Nam,
không thể chia rẽ được tình đoàn kết đã trở thành nét đẹp
truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ngay từ Đại hội lần thứ nhất các dân
tộc thiểu số (ngày 3-12-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:
“Nhờ sức đoàn kết trong đấu tranh của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày
nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam,
tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không có sự phân chia nòi giống, tiếng
nói...”.
Thấm nhuần tư tưởng của Người, đại đoàn kết toàn dân
tộc đã trở thành một nguyên tắc nhất quán trong hoạt động lãnh đạo,
chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt những năm gần đây,
Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới hướng đến đồng bào các dân
tộc thiểu số. Để những chủ trương, chính sách đó thực sự đi vào cuộc sống,
Chính phủ đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các địa phương,
nhất là trên địa bàn Tây Nguyên bám sát cơ sở để tổ chức thực hiện.
Các chương trình, dự án kinh tế, văn hóa, xã hội được triển khai nhanh chóng đã
tạo ra sự đổi thay đáng kể trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các
dân tộc, khoảng cách chênh lệnh về trình độ văn hóa, đời sống kinh tế... giữa
đồng bào dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh ở Tây Nguyên và các địa phương miền
núi ngày càng được thu hẹp...
Không ai có thể phủ nhận được những thành quả về
thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Những chuyển động
căn bản ấy đã góp phần không nhỏ giúp các cấp ủy đảng và chính quyền tăng cường
đoàn kết dân tộc, động viên và phát huy sức mạnh to lớn của đồng bào các dân
tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và củng cố quốc phòng,
an ninh…
Để tiếp tục đấu tranh triệt phá những âm mưu kích
động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch nói
chung và của cái gọi là "Tin lành Đề Ga", “Nhà nước Đề Ga”
nói riêng, chúng ta cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Cùng với xử lý
nghiêm minh những hành vi chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân
tộc, gây bất ổn về chính trị-xã hội, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến công tác
quản lý xã hội. Thực tiễn đã khẳng định, cấp ủy, chính quyền nhất là ở cấp cơ
sở đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, nắm tình hình
địa bàn, phối hợp với các lực lượng, các tổ chức chính trị, đoàn thể quần
chúng, triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ
trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Gần gũi, sát dân, nắm chắc địa bàn
còn giúp cho cán bộ, đảng viên kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng
của đồng bào để có biện pháp giải quyết phù hợp, hiệu quả, ngăn chặn kẻ
xấu lợi dụng. Mặt khác, quản lý chắc địa bàn sẽ giúp cấp ủy, chính quyền
cơ sở chủ động phát hiện, đấu tranh vạch trần những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm
của các thế lực thù địch, phản động, để từ đó thông qua tuyên
truyền tạo ra bước chuyển biến trong nhận thức, nâng cao tinh
thần cảnh giác, phát huy trách nhiệm của mọi người dân trong
phòng tránh, đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại. Đi kèm
với đó, chúng ta cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã
hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng
bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói
riêng. Đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, quê hương khởi sắc, đó chính là cơ sở, nền
tảng để củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ, tăng cường củng
cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
KIM
NGỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét