"Quân sự không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại"

QĐND - Triết lý chính trị sâu sắc này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói ngày 25-10-1953, khi đến thăm Trường Chính trị trung cấp quân đội. Nó chỉ ra tầm quan trọng đặc biệt của chính trị đối với quân sự và quân đội ta. Nó cũng bác bỏ luôn các quan điểm sai lầm rằng: “Quân đội sinh ra là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), bảo vệ cương vực, lãnh thổ, không phải là để bảo vệ bất cứ một đảng phái hay một thể chế chính trị nào?”; “Phải thay đổi cách giáo dục tư tưởng, chính trị trong quân đội, bỏ hẳn cách giáo dục áp đặt”; “Nên chăng, có thể bỏ dần chế độ cán bộ chính trị… vì trong thực tiễn, cán bộ chỉ huy nào cũng đều làm tốt được công tác chính trị cả”... Đồng thời cho thấy, sự kém hiểu biết về lý luận và thực tiễn xây dựng quân đội về chính trị trên các vấn đề cơ bản sau:
1. Quân đội trước hết và bao giờ cũng là công cụ bạo lực để thực hiện mục tiêu chính trị của nhà nước và giai cấp cầm quyền. Từ khi có giai cấp và nhà nước đến nay, dù là của giai cấp nào thì quân đội luôn là lực lượng vũ trang (LLVT) của một giai cấp, nhà nước, tập đoàn xã hội nhất định; là công cụ để tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm thực hiện mục đích chính trị của giai cấp, nhà nước, tập đoàn xã hội tổ chức ra nó. Đứng ở mũi đầu của cuộc đấu tranh chính trị, quân đội vừa là một lực lượng chính trị, một bộ phận chính trị của nhà nước, vừa là biểu hiện tập trung nhất của chính trị nhà nước, của đấu tranh giành, giữ quyền lực nhà nước. Đây là một thực tiễn lịch sử, một chân lý đã được khái quát thành nguyên lý trong các học thuyết xây dựng quân đội của mọi giai cấp và nhà nước tư sản hay vô sản. Giai cấp nào, nhà nước nào không nắm vững, xao nhãng, từ bỏ chân lý này tất yếu sẽ mất quân đội, mất quyền lực nhà nước và sẽ bị giai cấp, lực lượng chính trị-xã hội đối lập tước bỏ mọi lợi ích.
Vì vậy, quan điểm của V.I.Lê-nin từ Cách mạng 1905 rằng: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị-đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân, giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế, bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động” đã được lịch sử chứng minh là hoàn toàn đúng đắn và còn nguyên giá trị. Chân lý đó không chỉ đúng với cách mạng Nga-cuộc cách mạng XHCN một thời đã làm “long trời, lở đất” cái thế giới “tự do”, mà còn đúng với hoàn cảnh thực tiễn của cách mạng Việt Nam từ năm đầu xây dựng quân đội, thiết lập Nhà nước của giai cấp công nhân (GCCN) và nhân dân lao động Việt Nam đến nay.
2. Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc “chính trị trọng hơn quân sự”, “lấy chính trị làm gốc”. Quan điểm này của Đảng ta và Hồ Chủ tịch không chỉ đúng với học thuyết Mác - Lê-nin về xây dựng quân đội của giai cấp vô sản, mà còn kế thừa những giá trị truyền thống đặc sắc về xây dựng quân đội của ông cha ta, như “hun đúc bằng những điều nhân nghĩa” cho quân đội. Hơn cả, là sự phù hợp với thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, BVTQ của nước ta đang thua kém hơn các thế lực xâm lược về vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh. Vì vậy, việc coi trọng nhân tố chính trị-tinh thần, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị có ý nghĩa quan trọng đặc biệt.
Ngày đầu định tên cho quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng ta xác định: “Chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nói rõ: “Tuyên truyền trọng hơn tác chiến”; “Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho khởi nghĩa sau này”. Từ đó, quân đội ta luôn chăm lo xây dựng vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng hợp. Hồ Chủ tịch xác định: “Muốn cho quân đội ta quyết chiến quyết thắng hơn nữa thì phải săn sóc đời sống vật chất của họ, nâng cao trình độ chiến thuật và kỹ thuật của họ, nhất là giáo dục chính trị, làm cho có lập trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc, phải khởi đầu từ cán bộ dần dần đến toàn thể nhân viên. Phải chú trọng bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ công nông. Phải làm cho quân đội ta trở nên thật là một quân đội cách mạng của nhân dân, một quân đội vô địch”. Đến thăm Trường Chính trị trung cấp quân đội, Người căn dặn bộ đội phải: “Học tập chính cương, chính sách của Đảng cho hiểu mà làm cho đúng, tức là thực hành Chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Chính cương và chính sách của Đảng đối với công việc kháng chiến và kiến quốc là áp dụng Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh của cách mạng ta”. Người yêu cầu quân sự phải phục tùng chính trị, phải hướng vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị và cảnh báo: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.
Nhờ tuân thủ vấn đề cơ bản này mà 70 năm qua, quân đội ta không chỉ tạo nên được sức mạnh chiến đấu tổng hợp, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược mà còn góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta. Sự hiểu biết không đầy đủ hoặc cố tình xuyên tạc vấn đề này ắt hiểu sai về chính trị quân đội.
3. Mang bản chất GCCN, có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, có mục tiêu chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân-biểu hiện tập trung của xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị. Sự nghiên cứu, quán triệt không đầy đủ vấn đề này ắt dẫn đến sai lầm: Một là, tuyệt đối hóa bản chất GCCN của quân đội; hai là, tuyệt đối hóa tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội. Vừa qua đã xuất hiện nhận thức, quan điểm, kiến nghị lối thứ hai này. Sự sai lầm của họ chính là ở chỗ hoặc đọc chưa hết, học chưa thuộc, hiểu chưa kỹ Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng xây dựng quân đội về chính trị; hoặc chỉ nhấn đến tư tưởng “Trung với nước, hiếu với dân” của Người. Hồ Chủ tịch đã nhiều lần nói đến cụm từ này với quân đội ta. Trong đó, có hai lần với Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn là nhân Lễ khai giảng ngày 26-5-1946 và thư gửi tháng 5-1948, Người đã tặng trường 6 chữ: “Trung với nước, hiếu với dân”.
Nhớ được lời căn dặn của Người là chưa đủ, mà còn phải hiểu ở giai đoạn đầu xây dựng Nhà nước và quân đội, chuẩn bị kháng chiến chống xâm lược, vì lợi ích của Tổ quốc, đó cũng là lợi ích của Đảng, mà Hồ Chủ tịch và Đảng ta quyết định đưa Đảng vào hoạt động bí mật. Việc này không đồng nghĩa với từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Hồ Chủ tịch nhắc đến “Trung với nước, hiếu với dân” là sự hiểu biết sâu sắc về chính trị quân đội mà Đảng ta đã xác định. Người muốn động viên toàn quân phát huy “cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại” mà “gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”. Năm 1951, để động viên toàn dân, toàn quân bước qua thời kỳ khó khăn, ác liệt của cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai. Từ đây, bản chất GCCN cùng tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội tiếp tục được khẳng định. Bản chất GCCN-đặc tính chính trị căn bản nhất tiếp tục được thể hiện sâu đậm về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong quân đội. Không chỉ giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, học tập đường lối, quan điểm của Đảng, quán triệt nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, mà cả hệ thống tổ chức quân đội cũng in đậm vai trò lãnh đạo của Đảng. Tổ chức Đảng, cơ quan, cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên các cấp được tổ chức thống nhất, chặt chẽ trong toàn quân. Công tác Đảng, công tác chính trị là mạch sống của Quân đội nhân dân. Nhờ đó, suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, sức mạnh chính trị-tinh thần của quân đội được phát huy cao độ. Quân đội hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân; xứng đáng với lời khen của Hồ Chủ tịch: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Tách bản chất giai cấp ra khỏi chính trị quân đội; tuyệt đối hóa tính nhân dân, tính dân tộc của quân đội; đòi Đảng ta từ bỏ vai trò lãnh đạo đối với quân đội, hay loại bỏ hệ thống cán bộ chính trị trong quân đội… là sự thiếu hiểu biết điều sơ đẳng về chính trị của quân đội ta, là thủ đoạn nham hiểm nhất của tư tưởng đòi “phi chính trị hóa” quân đội hiện nay. Một lần nữa, chúng ta càng thấu suốt lời cảnh báo của Hồ Chủ tịch: “Quân sự không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”.

TS NGUYỄN VĂN QUANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét