Thứ năm, 03/04/2025 - 05:51
Ngay sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành kết luận chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng không tổ chức đơn vị cấp huyện và giao Quân ủy Trung ương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương này trong Quân đội, Bộ Quốc phòng đã khẩn trương tiến hành các bước hoàn thiện. Thế nhưng, xung quanh vấn đề rất quan trọng này, vẫn có những nhận thức chưa đúng của một số người. Trong khi đó, có những cá nhân thiếu hiểu biết và không có tính xây dựng, có những bài viết bịa đặt, châm chọc, bóp méo việc này trên mạng xã hội.
Ngày 28-2-2025, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư ký ban hành Kết luận số 127-KL/TW về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Về nhiệm vụ “Xây dựng đề án về tiếp tục sắp xếp tổ chức Quân đội”, kết luận nêu rõ: “Giao Quân ủy Trung ương căn cứ Kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức Quân đội phù hợp (trong đó có tổ chức của cơ quan quân sự cấp huyện), chủ động đề xuất thời gian báo cáo Bộ Chính trị theo tiến độ của kết luận này”.
![]() |
Thực hiện nội dung này, ngay trong chiều 28-2, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chủ trì Hội nghị giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất tổ chức quân sự địa phương (QSĐP). Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, thận trọng, chắc chắn, ngày 20 và 22-3, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức các hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Đề án “Tiếp tục sắp xếp tổ chức QSĐP tinh-gọn-mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” để bổ sung, hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 27-3-2025 theo tiến độ chung của cả nước, thời gian rút ngắn một quý so với yêu cầu tại Kết luận số 126-KL/TW ngày 14-2-2025 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Thế nhưng, mạng xã hội thời gian qua vẫn có những cá nhân có những nhận thức chưa đúng, thiếu hiểu biết, đưa ra những ý kiến không phù hợp. Thậm chí, một số bài viết xuyên tạc, bịa đặt, châm chọc, bóp méo việc làm này với nội dung thể hiện sự phiến diện cùng những mưu đồ, mục đích xấu khác khi cho rằng “Bộ Quốc phòng mất thời gian vào việc tổ chức lấy ý kiến sắp xếp tổ chức QSĐP”. Hùa theo đó là nhiều bình luận với nội dung theo kiểu “ăn theo nói leo”.
Theo Điều 35 Luật Quốc phòng năm 2018, Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Thứ nhất, tham mưu, giúp việc Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Thứ hai, chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển và vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Thứ ba, chủ trì, phối hợp với bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương lập, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án về quốc phòng, trình cấp có thẩm quyền quyết định. Thứ tư, xây dựng, quản lý, chỉ huy Quân đội nhân dân và dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Thứ năm, chỉ đạo, hướng dẫn bộ, ngành Trung ương và địa phương thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ và công tác quốc phòng.
Chiếu theo quy định này có thể thấy, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức QSĐP không đơn thuần là tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng ở cấp mình mà nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên là củng cố, tăng cường tiềm lực, sức mạnh nền quốc phòng toàn dân. Cụ thể là: Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc, góp phần tạo thế phòng thủ liên hoàn, vững chắc; xây dựng, củng cố hệ thống công trình quốc phòng, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật, khu vực phòng thủ; tổ chức huấn luyện, luyện tập thành thục các phương án chiến đấu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử trí có hiệu quả các tình huống...
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ này, nhiều năm qua, tổ chức QSĐP các cấp đã bám sát những chủ trương, yêu cầu nhiệm vụ của trên để tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp củng cố, xây dựng thế trận quốc phòng theo phương châm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”; tổ chức huấn luyện, diễn tập thuần thục phương án tác chiến theo tình huống ở từng cấp; chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt lực lượng, hệ thống công trình phòng thủ, tác chiến, sở chỉ huy các cấp... khi có tình huống xảy ra.
Vì thế, khi tiến hành thay đổi về tổ chức bộ máy chính trị, các phương án này cũng sẽ phải thay đổi theo cho phù hợp để bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, tổ chức thực hiện được thông suốt, nhuần nhuyễn; không làm gián đoạn, xáo trộn hay suy giảm, ảnh hưởng tới thế trận, sức mạnh quốc phòng và khả năng huy động các nguồn lực, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội. Chỉ cần một quyết sách sơ hở, thiếu chặt chẽ cũng có thể tác động, ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí là trả giá đắt bằng sự an nguy của quốc gia.
Do đó, sắp xếp lại tổ chức QSĐP một cách thận trọng, khoa học, logic, chặt chẽ; tiếp thu, chắt lọc những kinh nghiệm chiến đấu, xây dựng lực lượng cho phù hợp với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế; phù hợp với thực tiễn và điều kiện, tình hình đất nước cũng như điều kiện về con người, vũ khí, khí tài, trang bị hiện có là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết. Đây là việc khó, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng đại nhằm thực hiện thắng lợi hai mục tiêu: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về tổ chức QSĐP khi không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện ngày 20-3, Đại tướng Phan Văn Giang cũng nhấn mạnh: Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước giai đoạn lịch sử mới. Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trương báo cáo Trung ương quyết định điều chỉnh tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và địa giới hành chính trong cả nước. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước để đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Theo đó, thế bố trí quốc phòng, tổ chức Quân đội, trọng tâm là tổ chức QSĐP cần được nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý, để đáp ứng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, hòa nhập với sự phát triển chung của đất nước.
Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh khẳng định: “Đây là những vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp nên rất cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá kỹ về mọi mặt để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; vừa bám sát các chủ trương chỉ đạo chiến lược của Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng; kế thừa tinh hoa nghệ thuật quân sự, truyền thống lịch sử xây dựng lực lượng quân sự, đánh giặc, giữ nước của cha ông; thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới, trong khu vực, nhất là những phát triển mới về hình thái, phương thức chiến tranh thời gian gần đây. Từ đó, đưa vào giảng dạy, huấn luyện, diễn tập thành hệ thống theo mô hình tổ chức chính quyền mới khi bỏ cấp huyện, sáp nhập xã, tỉnh”.
Trước những quan điểm xuyên tạc, nhận thức chưa đúng, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thẳng thắn: “Các phần tử xấu luôn chầu chực tìm cớ, chờ cơ hội để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, chống phá nhằm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Vì vậy, người dân cần thận trọng khi tiếp cận những thông tin trên mạng xã hội. Quốc phòng, an ninh là lĩnh vực đặc biệt, trọng yếu, liên quan tới an nguy quốc gia và không được phép sơ hở, lơi lỏng bất kỳ giây phút nào; không có chỗ cho sự chủ quan hay những tính toán sai lầm, thiếu cẩn trọng. Do đó, mọi tình huống dù là nhỏ nhất cùng phương án xử trí đều phải được bàn thảo, đánh giá nghiêm túc, khoa học, thận trọng, chắc chắn”.
Lo cho an nguy của đất nước cũng chính là chăm lo, bảo vệ bình yên, hạnh phúc của mọi người, mọi nhà. Nơi đó không có chỗ cho sự xuyên tạc, châm chọc, xúc xỉa đầy ác ý.
NGUYỄN ĐỨC TUẤN
Việc sắp xếp lại tổ chức quân sự địa phương trong bối cảnh cải cách hành chính là một bước đi cần thiết, mang tính chiến lược nhằm đảm bảo quốc phòng gắn liền với thực tiễn quản lý nhà nước hiện đại, tinh gọn, hiệu quả. Đây là một chủ trương lớn, nghiêm túc, khoa học, được triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Hiến định theo Luật Quốc phòng năm 2018. Vậy mà vẫn có những tiếng nói cố tình bóp méo, xuyên tạc, thậm chí châm chọc – không chỉ sai lệch về nhận thức mà còn mang động cơ xấu, hòng kích động nghi ngờ, chia rẽ lòng dân và làm suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội và Nhà nước.
Trả lờiXóaXin thẳng thắn khẳng định: Quốc phòng không phải là một phép thử, càng không phải là sân chơi để những người thiếu hiểu biết hay mang định kiến đưa ra nhận xét hời hợt. Tổ chức QSĐP không đơn thuần là một thiết chế hành chính, mà là lực lượng nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, gắn với từng tấc đất, từng cấp xã, cấp huyện – nơi đầu tiên huy động và phản ứng khi có tình huống bất ngờ xảy ra. Việc sắp xếp, cải tổ tổ chức QSĐP không thể làm theo kiểu “cắt cơ học” hay duy ý chí, mà phải dựa trên cơ sở tổng kết chiến lược, thực tiễn huấn luyện, bố trí lực lượng, kinh nghiệm quốc tế và tình hình an ninh – quốc phòng trong khu vực.
Bộ Quốc phòng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, vào cuộc quyết liệt, tổ chức lấy ý kiến sâu rộng, bài bản. Đây không phải là “lấy ý kiến hình thức” như vài bài viết ác ý trên mạng châm chọc, mà là sự thể hiện nguyên tắc: quân sự – quốc phòng là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, cần thận trọng tuyệt đối, vì một sơ hở nhỏ có thể phải trả giá bằng sự an nguy quốc gia. Chỉ những ai không hiểu giá trị của độc lập, hòa bình, mới coi nhẹ vấn đề này.
Chúng ta cần tỉnh táo nhận diện và kiên quyết phản bác mọi luận điệu lệch lạc, thiếu thiện chí, phủ nhận công sức và trí tuệ của toàn hệ thống chính trị, trong đó có các sĩ quan, cán bộ quốc phòng đang âm thầm ngày đêm chuẩn bị cho một thế trận quốc phòng hiện đại, vững chắc, phù hợp với mô hình chính quyền trong tương lai. Đừng để những tiếng nói cực đoan làm nhiễu loạn dư luận, làm lệch hướng nhận thức của nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Vì giữ vững thế trận quốc phòng không chỉ là trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, mà là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam yêu nước.
Việc nghiên cứu, điều chỉnh tổ chức QSĐP không phải là hành động hành chính đơn thuần, mà là một nhiệm vụ chính trị - quân sự đặc biệt quan trọng, gắn liền với an ninh quốc gia. Trong bối cảnh tổ chức lại bộ máy chính quyền, nếu không điều chỉnh tương ứng về thế trận quốc phòng thì sẽ tạo ra khoảng trống, thậm chí là điểm yếu trong cấu trúc phòng thủ quốc gia. Đó là điều không thể cho phép.
Trả lờiXóaNhững kẻ xuyên tạc trên mạng xã hội, hoặc là thiếu hiểu biết một cách đáng lo ngại, hoặc đang cố tình lợi dụng không gian mạng để gieo rắc nghi ngờ, phá hoại niềm tin của nhân dân. Họ cố tình bỏ qua thực tế rằng mọi thay đổi trong tổ chức lực lượng vũ trang đều phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng, dựa trên kinh nghiệm chiến lược, địa chính trị, cũng như thực tiễn quốc phòng toàn dân. Mọi thứ không đơn giản như “xếp bàn ghế” hay “giảm biên chế”, mà là đảm bảo sự vận hành an toàn, hiệu quả của cả một hệ thống bảo vệ Tổ quốc từ cơ sở.
Đảng, Nhà nước và Quân đội không bao giờ xem nhẹ bất kỳ khâu nào trong công tác chuẩn bị quốc phòng. Việc tổ chức lấy ý kiến, thảo luận, rà soát kỹ lưỡng để tránh những lỗ hổng tiềm tàng chính là trách nhiệm tối thượng với đất nước, với nhân dân. Thay vì châm chọc, nghi ngờ, mỗi người dân cần hiểu rõ và đồng hành, góp phần bảo vệ sự ổn định chính trị, tăng cường sức mạnh quốc phòng toàn dân trong giai đoạn mới.
Trong bất cứ quốc gia nào, nhất là những nước có vị trí chiến lược như Việt Nam, việc tổ chức hệ thống quốc phòng – an ninh luôn phải đi trước một bước so với các cải cách khác. Chủ trương sắp xếp lại tổ chức QSĐP trong điều kiện không còn cấp hành chính huyện là một sự chuẩn bị kỹ càng, chủ động, không để xảy ra khoảng trống trong chỉ huy, điều hành quốc phòng tại cơ sở. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự nhất quán trong chỉ đạo từ cấp cao nhất.
Trả lờiXóaCác phần tử xấu tung tin thất thiệt, xuyên tạc, cho rằng Bộ Quốc phòng “làm quá” hay “tốn thời gian” là một chiêu trò cũ rích nhằm làm giảm uy tín của lực lượng vũ trang, gây hoài nghi trong dư luận. Nhưng họ đã lầm. Người dân Việt Nam đủ tỉnh táo để hiểu: quốc phòng không chỉ là súng đạn, mà là một hệ thống tổng thể, gắn chặt với từng đơn vị hành chính, từng cộng đồng dân cư. Nếu tổ chức bộ máy không tương thích với hệ thống chính quyền mới thì không thể đảm bảo chỉ huy, huy động và tác chiến hiệu quả.
Sự thay đổi nào cũng cần có thời gian, đặc biệt là với những lĩnh vực nhạy cảm như quân sự. Điều quan trọng là Bộ Quốc phòng đã, đang và sẽ tiếp tục hành động một cách khoa học, thận trọng, có kế hoạch – vì lợi ích lâu dài của quốc gia. Những ai yêu nước thực sự sẽ hiểu, đồng thuận và ủng hộ, thay vì hùa theo các giọng điệu tiêu cực, lệch lạc.