Thứ năm, 17/04/2025 - 05:32
Hiện nay, bên cạnh đại đa số nhận thức đúng thì vẫn có những cán bộ, đảng viên có nhận thức lệch lạc về giá trị, ý nghĩa của Chiến thắng 30-4-1975 - Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họ đã ăn phải "bả độc" thông tin của các thế lực thù địch, để từ đó có những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", sai lệch trong nhận thức và hành động.
Vừa qua, tôi đã có một cuộc tranh luận khá gay gắt với một người bạn làm quản lý tại một tờ báo điện tử có tiếng, nhiều người đọc. Trong các sản phẩm báo chí của báo điện tử này, khi đưa, nhắc tới ngày 30-4-1975 thì chỉ viết rằng đây là “Ngày thống nhất đất nước”. Tưởng báo có chút nhầm lẫn, tôi đã gọi điện nhắc người bạn của mình làm ở đó rằng phải gọi chính xác về kỷ niệm ngày 30-4-1975 là kỷ niệm “Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Nhưng đáng tiếc, bạn tôi trả lời rằng, họ không nhầm lẫn, mà đây là chủ trương, quan điểm của Ban biên tập tờ báo trên khi định nghĩa ngày 30-4-1975. Ngay cả “Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, tờ báo trên cũng chỉ ghi là “Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước”.
![]() |
Tôi nói rằng: “Các bạn đã vi phạm đạo đức báo chí, vì nhà báo không được quyền thay đổi tên gọi của một sự kiện, một lễ kỷ niệm để từ đó làm thay đổi cách hiểu về bản chất của nó”. Sau đó, tờ báo ấy chỉ chấp nhận sửa lại đúng tên gọi về lễ kỷ niệm quốc gia sắp được tổ chức là “Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Còn trên các bản tin của họ thì vẫn đề ngày 30-4-1975 là Ngày thống nhất đất nước!
Có thể những người quản lý tại tờ báo điện tử nọ nghĩ rằng họ làm vậy với ý nghĩa "khép lại quá khứ" để hướng tới tương lai, nêu cao tinh thần hòa hợp dân tộc... Tuy nhiên, cách làm ấy của họ chính là làm thay đổi bản chất của sự kiện, chính là một kiểu lật sử, xúc phạm công lao, xương máu của thế hệ đi trước. Bởi vì phần lớn chúng ta đều hiểu rằng, không có “giải phóng miền Nam” thì sao có “thống nhất đất nước” được!
Có những người đặt câu hỏi theo kiểu vặn vẹo rằng: Nói là “giải phóng miền Nam”, vậy thì ai giải phóng ai?
Có thể thấy rõ ràng là: Dân tộc Việt Nam, đồng bào, chiến sĩ cả hai miền Nam-Bắc đã mang sức mình để tự giải phóng mình khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai phản động tại miền Nam Việt Nam.
Tại sao phải “giải phóng miền Nam” thì mới “thống nhất đất nước”? Chúng ta cần phải thấy rằng, “thống nhất đất nước” là một thành tựu vĩ đại, là một đích đến của mấy chục năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tính từ khi đất nước bị chia cắt sau Hiệp định Geneva năm 1954. Thành tựu này chỉ đạt được sau Chiến thắng vĩ đại 30-4-1975, khi quân và dân hai miền Nam-Bắc đã giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của thực dân kiểu mới là đế quốc Mỹ và tay sai là ngụy quyền. Như thế, “giải phóng miền Nam” là điều kiện tiên quyết để “thống nhất đất nước”. Sau khi miền Nam được giải phóng thì hai miền Bắc-Nam đã tiến hành Hội nghị hiệp thương chính trị để thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.
Lại có người lý sự rằng, "có nhất thiết phải thống nhất đất nước Việt Nam bằng các hành động quân sự, có nhất thiết phải đổ máu không? Liệu có giải pháp hòa bình để thống nhất đất nước không?".
Có thể thấy, từ các nhà lãnh đạo cho tới mỗi người dân Việt Nam, không ai muốn có chiến tranh, không ai muốn phải đổ máu. Hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc luôn là những điều mỗi người Việt Nam ước mong, ấp ủ. Đấu tranh bằng biện pháp chính trị, bằng biện pháp ngoại giao để thống nhất đất nước luôn được Đảng ta đặc biệt coi trọng.
Tuy nhiên, thống nhất đất nước tại Việt Nam chỉ có được sau những kết quả về đấu tranh quân sự. Với những chiến thắng dồn dập về quân sự của quân và dân cả nước trước kẻ địch, mà đỉnh cao là Chiến thắng 30-4-1975, chúng ta mới có thể kết thúc chiến tranh. Và cũng chỉ vì thua trên chiến trường, mà quyết định là sau thất bại của trận tập kích đường không 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972 thì đế quốc Mỹ mới chịu ký Hiệp định Paris năm 1973 và rút quân chủ lực khỏi miền Nam Việt Nam. Như vậy, thực tế là giải pháp chính trị chỉ đạt được kết quả khi đối phương thất bại trên chiến trường.
Cũng đã có những cơ hội để thống nhất đất nước Việt Nam bằng các giải pháp hòa bình, tổng tuyển cử, nhưng đế quốc Mỹ và tay sai luôn tìm mọi cách phá hoại các giải pháp hòa bình để thống nhất Việt Nam, hòng giữ được sự thống trị của mình tại miền Nam Việt Nam.
Nếu như không có sự can thiệp của đế quốc Mỹ và sự tráo trở của chính quyền Ngô Đình Diệm thì đất nước ta có thể sẽ thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử hòa bình vào năm 1956 như trong nội dung của Hiệp định Geneva. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã phá hoại Hiệp định Geneva, cố tình không tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử trên cả nước để thống nhất đất nước. Bởi lúc đó, Mỹ-Diệm định lượng được rằng, nếu tổng tuyển cử diễn ra thì chiến thắng sẽ dễ dàng về tay Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bởi lúc đó, uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa rất lớn, hợp lòng dân, đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng thực dân Pháp xâm lược với Chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu". Thậm chí, tình báo Mỹ đã kết luận rằng, nếu có tổng tuyển cử thì kết quả tốt nhất cho Mỹ-Diệm là ít nhất khoảng 80% dân số sẽ bầu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1973, ngụy quyền cũng không hề muốn ký Hiệp định Paris để chấm dứt chiến tranh, nhưng dưới sức ép của Mỹ (do Mỹ không thể kham nổi cuộc chiến nữa) nên buộc phải ký. Trong Hiệp định Paris có các điều khoản về cam kết tôn trọng ngừng bắn, giữ vững hòa bình ở miền Nam Việt Nam, giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng và tránh mọi xung đột bằng vũ lực.
Hiệp định Paris cũng quy định vấn đề thống nhất nước Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, thời gian thống nhất sẽ do miền Bắc và miền Nam Việt Nam thỏa thuận. Tuy nhiên, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngụy quân đã lập tức vi phạm hiệp định khi thực hiện hàng loạt cuộc hành quân đánh phá, nống lấn vào vùng giải phóng. Thậm chí giới lãnh đạo ngụy quyền còn lên kế hoạch toàn diện, lâu dài giai đoạn 1973-1978 hòng bình định miền Nam Việt Nam, tiếp tục đàn áp, dìm nhân dân miền Nam trong bể máu.
Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố rằng: “Đừng nói giải pháp chính trị, giải pháp chính trị rồi đưa tới cộng sản.... Hễ nó (Quân giải phóng) giỏi, nó thắng mình chịu. Mình thắng, nó phải chịu. Không có cái chánh phủ liên hiệp tiên quyết... Sẽ không có tổng tuyển cử, sẽ không có chính phủ liên hiệp, sẽ không có phân chia vùng kiểm soát, sẽ không có lực lượng thứ ba và không có một Chính phủ Cách mạng lâm thời nào”.
Với tính chất phản động của ngụy quyền, thì vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc, khả năng tổng tuyển cử để thống nhất đất nước đối với dân tộc Việt Nam trở nên phi thực tế. Nếu như không có sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, tài thao lược của các tướng lĩnh Quân đội ta, sự anh dũng của quân dân ta để làm nên Chiến thắng 30-4-1975 thì sẽ không thể có đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất và phát triển của ngày hôm nay. Sự đầu hàng của chính quyền Dương Văn Minh là sự đầu hàng vô điều kiện.
Chiến thắng 30-4-1975 đã được ghi vào lịch sử là chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam để thống nhất đất nước, được thế giới công nhận và khâm phục. Do vậy, thế hệ hôm nay, khi nhắc tới công lao của cha ông cần hết sức trân trọng và biết ơn. Cần phải tìm hiểu lịch sử với thái độ tôn trọng và thận trọng, nhất là đối với các sự kiện lớn, các nhà lãnh đạo đã được ghi danh vào lịch sử, không được tự ý thay đổi các tên gọi của các sự kiện lịch sử. Đặc biệt là cần tìm hiểu lịch sử từ các nguồn chính thức, chính thống, tránh bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng từ các nguồn thông tin không rõ ràng, bởi đằng sau các thông tin, đánh giá về các sự kiện lịch sử từ các nguồn không chính thống đều có thể tiềm ẩn những mưu đồ chính trị.
HỒ QUANG PHƯƠNG
Bài viết thể hiện rất rõ quan điểm đúng đắn và cần thiết trong việc nhận thức đầy đủ, chính xác về Chiến thắng 30-4-1975 – một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Việc gọi đúng tên sự kiện là “Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” không chỉ là yêu cầu về sự chính xác lịch sử mà còn là sự tôn trọng đối với những hy sinh to lớn của lớp lớp cha anh, những người đã ngã xuống để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Trả lờiXóaViệc một số cá nhân, thậm chí cả cơ quan truyền thông có xu hướng né tránh hoặc lược bỏ cụm từ “giải phóng miền Nam” là biểu hiện đáng lo ngại của sự lệch lạc trong tư duy lịch sử. Dù họ có biện minh bằng bất kỳ lý do nào như “hòa hợp dân tộc” hay “khép lại quá khứ”, thì việc thay đổi cách diễn đạt bản chất sự kiện là không thể chấp nhận, bởi nó làm sai lệch nhận thức lịch sử, tiếp tay cho những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Không có “giải phóng miền Nam” thì không thể có “thống nhất đất nước” – đây là sự thật lịch sử không thể phủ nhận. Việc giải phóng miền Nam là điều kiện bắt buộc để kết thúc chiến tranh, mở ra tiến trình hiệp thương thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Những ai cố tình lờ đi điều đó chẳng khác nào đang tiếp tay cho những mưu đồ “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vốn luôn được các thế lực phản động khai thác để làm suy yếu nền tảng tư tưởng – chính trị của Đảng và Nhà nước ta.
Lịch sử cần được nhìn nhận bằng sự khách quan, chính danh và trung thực. Đặc biệt, với những sự kiện trọng đại như Ngày Giải phóng miền Nam, việc gọi đúng tên gọi, đúng bản chất không chỉ là trách nhiệm của nhà báo, người làm truyền thông mà còn là bổn phận của mỗi người dân yêu nước. Trách nhiệm ấy càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội tràn lan thông tin sai lệch, dễ làm xói mòn nhận thức lịch sử trong giới trẻ.
Bảo vệ sự thật lịch sử, bảo vệ những giá trị thiêng liêng của dân tộc chính là góp phần củng cố niềm tin vào con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ đi trước – những người đã viết nên trang sử hào hùng của đất nước bằng chính máu xương và lòng quả cảm.
Bài viết đã chỉ ra một thực tế đáng lo ngại: sự mơ hồ, thậm chí lệch lạc trong cách nhìn nhận về Chiến thắng 30-4-1975 đang hiện hữu ngay trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí cả những người làm báo – những người lẽ ra phải là lực lượng tiên phong trong việc giữ gìn và lan tỏa sự thật lịch sử. Việc chỉ gọi ngày 30-4 là “Ngày thống nhất đất nước” mà cố tình lược bỏ cụm từ “giải phóng miền Nam” là hành vi không chỉ sai về mặt khái niệm mà còn là biểu hiện nguy hiểm của sự tiếp nhận méo mó thông tin, dẫn đến hành vi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng.
Trả lờiXóaChúng ta không phủ nhận tinh thần hòa hợp dân tộc hay khát vọng hướng tới tương lai, nhưng hòa hợp không đồng nghĩa với xóa nhòa sự thật lịch sử. Không thể hòa hợp trên nền tảng của sự bóp méo, phủ nhận hoặc né tránh sự hy sinh to lớn của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Việc thay đổi hay “làm mềm hóa” tên gọi của sự kiện 30-4 chẳng khác nào tiếp tay cho luận điệu “hòa giải kiểu xuyên tạc” của các thế lực phản động.
Chúng ta cần phải hiểu rõ rằng, “giải phóng miền Nam” không phải là khẩu hiệu mà là một thực tiễn lịch sử được đánh đổi bằng máu xương, bằng lòng yêu nước, ý chí quật cường của cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nếu không có chiến thắng vĩ đại ấy, không có việc quét sạch sự thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai ngụy quyền, thì sẽ không có khái niệm nào là “thống nhất đất nước” cả. Đó là trình tự lịch sử, là sự thật đã được kiểm chứng, được quốc tế công nhận và lịch sử ghi danh.
Do vậy, việc giữ gìn cách gọi chính xác “Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” là bảo vệ sự liêm chính của lịch sử, là thể hiện sự tri ân và biết ơn đúng mức đối với thế hệ cha ông. Hơn bao giờ hết, trong bối cảnh đấu tranh tư tưởng đang diễn ra phức tạp, mỗi người làm báo, mỗi cán bộ, đảng viên càng cần tỉnh táo, kiên định và bản lĩnh trong việc nói đúng, viết đúng và giữ vững sự thật lịch sử của dân tộc.
Cảm ơn tác giả đã nêu một vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết hiện nay. Việc một số cá nhân, thậm chí cả những người làm trong các cơ quan truyền thông – nơi đáng lẽ phải có trách nhiệm phản ánh trung thực lịch sử – lại cố tình “tối giản” hay né tránh cụm từ “giải phóng miền Nam” là điều không thể xem nhẹ. Đó không chỉ là sự thiếu hiểu biết về lịch sử, mà còn là biểu hiện của sự dao động về lập trường chính trị, dễ bị lây nhiễm bởi các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Trả lờiXóaChiến thắng 30-4-1975 là một dấu mốc mang tính bước ngoặt, là thành quả vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam trong hành trình giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Gọi đúng là “Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” không chỉ để khẳng định sự thật lịch sử, mà còn là cách thể hiện lòng biết ơn và sự tôn trọng đối với hàng triệu người đã hy sinh vì lý tưởng ấy. Từ “giải phóng” không phải là một lựa chọn ngôn ngữ ngẫu nhiên, mà là sự kết tinh của máu, mồ hôi và nước mắt của cả một dân tộc trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Việc cố tình loại bỏ từ “giải phóng” chẳng khác nào hành động “trắng hóa” quá khứ, làm sai lệch tiến trình lịch sử và đánh đồng giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Đó là điều cực kỳ nguy hiểm, bởi nó làm xói mòn lòng tin, phá vỡ nhận thức lịch sử của thế hệ trẻ, mở đường cho các tư tưởng phản động lẻn vào đời sống xã hội một cách tinh vi.
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải giữ vững nguyên tắc: tôn trọng sự thật lịch sử là tôn trọng chính mình. Đừng để những biểu hiện “mềm hóa”, “làm đẹp hóa” phiến diện dẫn dắt nhận thức xã hội đi chệch khỏi con đường mà ông cha đã đổ máu để bảo vệ. Chiến thắng 30-4 là chiến thắng của chính nghĩa, của nhân dân Việt Nam, và phải luôn được gọi đúng, hiểu đúng và nhắc nhớ với đầy đủ niềm tự hào và biết ơn.