Luận điệu xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với những thương, phế binh chế độ cũ

Thứ Hai, 31/03/2025, 08:05

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, người dân Việt Nam ở trong hay ngoài nước đều bày tỏ sự tri ân, biết ơn sâu sắc sự cống hiến của các thế hệ tiền bối cách mạng, tưởng nhớ biết bao đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tuy nhiên, đi ngược lại với tình cảm của đồng bào thì một số người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là các đối tượng phản động lưu vong vẫn mang trong lòng sự thù hận với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam, có những luận điệu cố tình xuyên tạc về Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như các chính sách hoà hợp, hoà giải dân tộc.

Luận điệu xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với những thương, phế binh chế độ cũ -0

Nhận diện những luận điệu xuyên tạc sự thật

Những ngày qua, các trang tin không thiện chí với Việt Nam như VOA Tiếng Việt, RFA Tiếng Việt và trang web của tổ chức Việt Tân… đã đăng tải thông tin rằng, Liên hợp quốc chất vấn Việt Nam về thương, phế binh Việt Nam Cộng hoà (VNCH) tại phiên bảo vệ báo cáo Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD), tại trụ sở Liên hợp quốc (Geneva) ngày 6-7/3/2025 của phái đoàn Việt Nam. Gọi là chất vấn nhưng thực chất chỉ là việc bà Amalia Gamio, Phó Chủ tịch Ủy ban về quyền của người khuyết tật nêu vấn đề về chế độ nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với những thương, phế binh VNCH.

Phát biểu mở đầu cho phiên bảo vệ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Trưởng phái đoàn Việt Nam cho biết, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến công tác người khuyết tật, đã ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện bình đẳng các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát huy khả năng của mình để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phù hợp với Công ước về quyền của người khuyết tật mà Việt Nam là thành viên.

Qua đó, Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng trong công tác giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều nhanh từ 60% vào những năm 1990, xuống còn 13,5% vào năm 2014, đến năm 2023 còn khoảng 5%. Hệ thống an sinh xã hội không ngừng mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng chính sách đối với người khuyết tật: trên 1,6 triệu người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, 96% người khuyết tật có thẻ bảo hiểm y tế, các bệnh viện đa khoa trung ương, tỉnh và huyện đều có khoa phục hồi chức năng. Trẻ em khuyết tật được hỗ trợ học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục; đối với trẻ em không có khả năng học hay hòa nhập sẽ được hỗ trợ tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt.

Tuy nhiên, với bản chất chống phá, các tổ chức trên đã thêm thắt và đưa ra những thông tin sai lệch, vu cáo Việt Nam đàn áp, phân biệt đối xử, bỏ mặc những người được cho là thương, phế binh VNCH. Trong nhiều năm qua, các tổ chức phản động lưu vong, tổ chức khủng bố như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời... đã lợi dụng thương, phế binh để làm bình phong thực hiện mưu đồ chính trị chống phá với nhiều thủ đoạn, kể cả ép buộc người Việt Nam ở nước ngoài quyên góp tiền để hỗ trợ cho một số thương, phế binh VNCH hòng kích động “dựng lại thây ma quân lực VNCH”, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Một số người bị các đối tượng ép trả lời phỏng vấn trên các trang tin phản động ở nước ngoài với những lời lẽ sai sự thật, xuyên tạc khi cho rằng “bị áp bức”, “bị phân biệt đối xử” hoặc “không có tự do, dân chủ”...

Ngoài việc xuyên tạc về việc Việt Nam đàn áp, bỏ mặc thương, phế binh VNCH, các đối tượng còn tiếp tục đưa ra những lập luận vô căn cứ rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và đại thắng mùa xuân 1975 là “hoàn toàn vô nghĩa, lẽ ra dân tộc Việt Nam đã có thể tránh được cuộc chiến tranh”; tiếp tục vu cáo đây là cuộc “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn” giữa hai miền Nam - Bắc. Trên một số trang mạng, website, blog cá nhân của các phần tử cơ hội chính trị đã phát tán nhiều tin, bài xuyên tạc lịch sử. Họ đưa ra luận điệu sai lệch, đòi “định danh lại ngày 30/4 cho phù hợp”, không chấp nhận 30/4 là Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tái diễn luận điệu xuyên tạc “người Việt trẻ gọi 30/4 là một biến cố buồn”; nếu không có ngày 30/4/1975 thì miền Nam Việt Nam ngày nay phát triển không kém gì Hàn Quốc, vượt xa Thái Lan… Rồi Việt Nam đàn áp những người thuộc chế độ cũ, không quan tâm, bỏ mặc thương, phế binh VNCH… Đây là những luận điệu lạc lõng, hoàn toàn sai trái, bịa đặt, cố tình phủ nhận sự thật lịch sử.

Cần nhìn nhận sự thật khách quan

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975) đã lật đổ hoàn toàn chế độ tay sai ở miền Nam, làm tan rã các tổ chức, đảng phái chính trị phản động. Trái ngược với luận điệu tuyên truyền cho rằng sẽ có “trả thù, tắm máu” nếu miền Nam được giải phóng thì thực tế cho thấy, với những người từng theo VNCH, các tổ chức chống lại cách mạng thì Đảng, Nhà nước ta đã đối xử một cách khoan hồng, độ lượng bằng chính sách hoà giải, hoà hợp để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Ngày 28/1/1976, Chính phủ cách mạng lâm thời công bố chính sách khoan hồng, độ lượng đối với những binh sĩ ngụy quân, nhân viên ngụy quyền và đảng viên các đảng phái phản động đã đăng ký trình diện và học tập cải tạo tốt.

Sau thời gian cải tạo, những sĩ quan, binh sĩ làm trong quân đội và nhân viên chính quyền Sài Gòn đã được trả về với gia đình sau khi được giáo dục, tuyên truyền với mong muốn họ thay đổi suy nghĩ, xóa bỏ những bất đồng, mặc cảm và đóng góp cho công cuộc tái thiết đất nước. Những người này không bị kỳ thị, khinh rẻ như luận điệu kẻ xấu rêu rao mà còn được chính quyền tạo điều kiện cho công ăn, việc làm cũng như hỗ trợ gia đình. Trong đó, nhiều binh lính, sĩ quan chế độ cũ sau đó đã trực tiếp tham gia vào Quân đội nhân dân Việt Nam trong các cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế xoá bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot tại Campuchia, tham gia vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc giai đoạn 1979 - 1988.

Ngoài ra, nhiều trí thức, nhà khoa học đã đóng góp vào công cuộc kiến thiết đất nước sau chiến tranh và xây dựng, phát triển đất nước như KTS Ngô Viết Thụ, Bùi Thị Lang, Bùi Văn Hinh, GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn… Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, bác sĩ Trần Đông A từng có thời gian phục vụ trong quân đội ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975 với vai trò y sĩ quân y, sau này ông đã có nhiều đóng góp cho y học nước nhà. Ông là người đã giữ vai trò điều phối, chỉ huy, phẫu thuật viên chính ca mổ tách cặp song sinh dính liền Nguyễn Việt - Nguyễn Đức thành công vang dội. Đó là ca mổ tách dính thứ 7 trên toàn thế giới và là ca đầu tiên ở Việt Nam năm 1988 và gần đây nhất là ca phẫu thuật hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc của nền y tế Việt Nam đối với thế giới về tách dính trẻ song sinh dính liền năm 2020.

Đối với vấn đề thương, phế binh VNCH, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách, đảm bảo an sinh xã hội mà không phân biệt địa vị, thành phần như chính sách y tế cho việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; chính sách phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật. Đối với người nghèo, hộ nghèo cũng được áp dụng bình đẳng, không phân biệt yếu tố chính trị trước 30/4/1975 như thế nào, trong đó có các chính sách như: Chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, hỗ trợ về giáo dục - đào tạo, hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ pháp lý, tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng, khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng… Nhiều người dù là thương, phế binh bên cạnh việc chăm lo cuộc sống gia đình còn tham gia vào các công tác, đoàn thể, tham gia lực lượng dân quân, bảo vệ dân phố góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại nơi mình sinh sống và được cơ quan, ban, ngành, chính quyền sở tại ghi nhận.

Hòa hợp, hòa giải dân tộc phải dựa trên sự tôn trọng lịch sử; bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc, xuất phát từ sự chân thành, thiện chí của tất cả các bên. Bản chất cuộc chiến vệ quốc của Việt Nam là sự thật lịch sử. Với cuộc kháng chiến này, quân và dân Việt Nam chiến đấu chống kẻ thù xâm lược là đế quốc Mỹ và lực lượng tay sai chứ không có chuyện miền Bắc xâm lược miền Nam, không có chuyện “nội chiến”, “huynh đệ tương tàn”. Kế thừa truyền thống nhân văn, nhân đạo, hòa hiếu của dân tộc, trên tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Đảng và Nhà nước đã đề ra các chủ trương, chính sách hòa hợp, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Theo đó, năm 2003, Hội nghị Trung ương 7 (khóa IX) của Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 (khóa IX) của Bộ Chính trị về công tác dân tộc; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Chỉ thị 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Chỉ thị 45 đã khẳng định: “Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung...; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xoá bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Chỉ thị cũng nêu rõ: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam… Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”.

Thống nhất non sông gắn liền với thống nhất dân tộc, chỉ có thống nhất dân tộc mới làm nên sức mạnh quốc gia. Đã 50 năm trôi qua kể từ ngày nước nhà thống nhất, non sông quy về một mối, ý nghĩa thiêng liêng trong thời khắc lịch sử ấy luôn khắc sâu trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài. Từ khát vọng thống nhất non sông ngày ấy, giờ đây khi đất nước bước sang trang mới với khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, phát triển.

Liêm Chính - Bình Nguyên 

3 nhận xét:

  1. Là một người Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, tôi luôn thấy tự hào khi nhắc đến Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 – mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó không chỉ là chiến thắng quân sự mà còn là chiến thắng của khát vọng hòa bình, khát vọng độc lập, thống nhất và đoàn kết toàn dân tộc. Bởi thế, thật đáng tiếc và đáng lên án khi đến tận hôm nay, một số phần tử phản động lưu vong vẫn cố tình nuôi dưỡng lòng hận thù, phủ nhận thành quả cách mạng, xuyên tạc trắng trợn lịch sử dân tộc, đặc biệt là bóp méo chính sách hòa giải dân tộc và nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta.

    Không thể có cái gọi là “áp bức” hay “phân biệt đối xử” với thương phế binh VNCH như các tổ chức phản động vu cáo. Sự thật là, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách an sinh xã hội không phân biệt nguồn gốc, hoàn cảnh chính trị trước năm 1975. Người khuyết tật, dù là ai, đều được hỗ trợ y tế, học tập, phục hồi chức năng, được tạo điều kiện sống độc lập và hòa nhập cộng đồng. Đó là sự thật khách quan, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và tôn trọng. Thật nực cười khi các tổ chức như VOA, RFA, Việt Tân… cố tình bóp méo một phát ngôn trong phiên họp Liên Hợp Quốc rồi dựng chuyện vu cáo Việt Nam đàn áp, bỏ mặc thương binh VNCH để kích động hận thù dân tộc, chia rẽ lòng người, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.

    Việc lợi dụng hình ảnh thương phế binh để gây quỹ, phục vụ cho các mưu đồ chính trị, kích động “dựng lại quân lực VNCH” không chỉ là hành vi lừa gạt mà còn xúc phạm chính những con người đã từng mang thương tích chiến tranh. Những ai còn mang nặng tư tưởng hận thù cần phải nhìn lại mình, hãy xem đất nước hôm nay đã đổi thay ra sao, người dân Việt Nam sống ra sao, rồi tự hỏi liệu sự thù địch có còn lý do để tồn tại? Hòa hợp dân tộc không thể chỉ đến từ một phía. Muốn hàn gắn vết thương chiến tranh, cần sự trung thực, thiện chí và tôn trọng sự thật lịch sử. Hãy để quá khứ lùi vào dĩ vãng, để tất cả cùng hướng về một tương lai chung: xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, văn minh và phát triển bền vững – đó mới là điều người Việt Nam chân chính nên làm.

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta không thể để những luận điệu sai lệch và xuyên tạc tiếp tục gieo rắc sự ngộ nhận về lịch sử dân tộc – đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Chiến thắng 30/4/1975 là một sự thật không thể chối cãi, là đỉnh cao của tinh thần yêu nước, là kết tinh của bao xương máu, mồ hôi và nước mắt của cả một dân tộc. Nếu không có ngày 30/4, làm sao có thể có một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất và phát triển như hôm nay? Có thể có những nỗi đau trong chiến tranh, nhưng không vì thế mà phủ nhận chính nghĩa của cuộc kháng chiến – điều đã được cả thế giới thừa nhận.

    Những tiếng nói phản động đang cố gắng tái dựng một lịch sử méo mó, gieo rắc nghi ngờ rằng Việt Nam “phân biệt đối xử” với thương phế binh VNCH, rằng chúng ta “bỏ mặc” người khuyết tật, người từng đứng bên kia chiến tuyến. Nhưng họ cố tình lờ đi thực tế: chính sách của Nhà nước Việt Nam sau thống nhất là khoan dung, hòa hợp – không phải là “trả thù” như họ mong chờ để có cớ tiếp tục nuôi dưỡng hận thù. Rất nhiều người từng là sĩ quan, binh sĩ chế độ cũ nay đã có cuộc sống ổn định, con cháu họ thành đạt, thậm chí bản thân họ còn cống hiến trở lại cho sự phát triển của đất nước. Những thành tựu đó là minh chứng rõ ràng nhất rằng Việt Nam không để ai bị bỏ lại phía sau.

    Nếu thật sự có lòng yêu nước, yêu dân tộc thì thay vì xuyên tạc lịch sử, kích động hận thù, những người Việt ở nước ngoài hãy nhìn về quê hương bằng sự công tâm, khách quan và hướng tới tương lai. Hãy cùng nhau gìn giữ sự thật lịch sử, vì chỉ có sự thật mới có thể xây dựng niềm tin, chỉ có đoàn kết mới có thể tạo nên một dân tộc mạnh mẽ, vững vàng trước mọi biến động của thời đại.

    Trả lờiXóa
  3. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã khép lại gần nửa thế kỷ. Đau thương đã lùi xa, nhưng nỗi đau sẽ chẳng bao giờ được xoa dịu nếu người ta vẫn cứ cố tình khơi lại bằng sự thù hận, dối trá và xuyên tạc lịch sử. Những tiếng nói phản động ở hải ngoại hôm nay đang làm điều đó – không phải vì tình thương với thương phế binh VNCH, mà vì một toan tính chính trị ích kỷ, nhằm gieo rắc nghi ngờ, gây chia rẽ giữa người Việt với nhau. Sự thật là: không có một chính sách nào từ phía Nhà nước Việt Nam phân biệt người từng là sĩ quan, binh lính VNCH sau 1975; ngược lại, chính sách hòa giải, khoan hồng, tạo điều kiện tái hòa nhập xã hội đã được thực hiện rộng rãi, nhân văn, không chỉ trong lời nói mà bằng những hành động cụ thể.

    Với những ai còn mang định kiến hoặc bị dẫn dắt bởi thông tin sai lệch, xin hãy nhìn vào thực tế: hàng triệu người khuyết tật ở Việt Nam, trong đó có cả những người từng thuộc chế độ cũ, đang được hưởng các chính sách an sinh xã hội, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được phục hồi chức năng, hỗ trợ việc làm, học hành và nhà ở. Đó không phải là “bỏ rơi” hay “phân biệt đối xử” như một số kẻ cố tình bịa đặt, mà là sự chăm lo chu đáo từ một Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

    Một dân tộc muốn lớn mạnh phải biết hòa giải, vượt qua hận thù và đồng lòng hướng về tương lai. Chính vì thế, những luận điệu đòi “định nghĩa lại ngày 30/4”, hay vu cáo Nhà nước Việt Nam "không nhân đạo" là những luận điệu nguy hiểm, độc hại, cần bị phản bác bằng lý trí và sự thật. Đừng để những tiếng nói lạc lõng ấy bóp méo lịch sử và làm tổn thương lòng yêu nước chân chính. Hãy tự hào là người Việt Nam, vì chúng ta có quyền ngẩng cao đầu trước lịch sử hào hùng, nhân văn và đầy hy sinh của dân tộc mình.

    Trả lờiXóa