Phản bác những cáo buộc thiếu căn cứ trong phúc trình tự do tôn giáo của tổ chức USCIRF

Thứ Năm, 03/04/2025, 08:29

Đến hẹn lại lên, ngày 25/3 vừa qua, tổ chức Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế (US Commission on International Religious Freedom - USCIRF) đã tiếp tục công bố bản phúc trình năm 2025, đánh giá về tình hình tự do tôn giáo đối với các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Cần hiểu rằng, tổ chức USCIRF không phải là cơ quan thuộc Chính phủ của Mỹ nhưng có vai trò là cơ quan tư vấn cho Quốc hội đưa ra các quyết định liên quan đến chính sách của Mỹ đối với các nước trên thế giới, đồng thời đây cũng là nguồn thông tin tư vấn của Ngoại trưởng và Tổng thống Mỹ về chính sách đối ngoại, đặc biệt về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo toàn cầu. Tuy được coi là cơ quan tham vấn độc lập nhưng hoạt động của tổ chức USCIRF nhằm phục vụ cho chính quyền Mỹ.

Thông qua các báo cáo của tổ chức USCIRF và những tổ chức liên quan khác, Chính phủ Mỹ tập hợp, đánh giá và có thể coi đó là căn cứ để lên án, phê phán những nước mà họ cho là vi phạm dân chủ nhân quyền, từ đó buộc các nước phải tuân thủ theo “tiêu chuẩn Mỹ” đưa ra nếu không muốn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là hợp tác kinh tế quốc tế.

Từ năm 2000 đến nay, đã nhiều lần tổ chức USCIRF đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách “Các quốc gia đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo” (Country of Particular Concern - CPC) hoặc “Danh sách các nước cần chú ý về tự do tôn giáo-SWL” nhưng rất nhiều lần những đề nghị của tổ chức này không đạt mục đích bởi các đánh giá sai lệch, thiếu chứng cứ xác đáng, bị Việt Nam cũng như nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế phản ứng gay gắt những đánh giá có tính áp đặt, định kiến, mang tính chủ quan từ tổ chức USCIRF.

image001.jpg -0
Các tôn giáo tại Việt Nam luôn được bảo đảm quyền tự do hoạt động trong môi trường ổn định, hòa hợp, bình đẳng, tuân theo pháp luật.

Trong bản phúc trình năm 2025 lần này, tổ chức USCIRF tiếp tục đưa ra những luận điểm sai lệch, thiếu căn cứ nhắm vào lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam, bao gồm:

Một là, tổ chức USCIRF đã cáo buộc, đưa ra những luận điểm sai lệch về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Cụ thể, tổ chức này đã công khai rõ mục đích trong bản phúc trình năm 2025 là “Chỉ định Việt Nam là một trong 16 quốc gia nằm trong danh sách CPC”, trong khi Chính phía Mỹ đưa Việt Nam vào “Danh sách SWL” từ năm 2022 đến nay (mặc dù nhiều lần Việt Nam đã bác bỏ những cáo buộc thiếu căn cứ này). Việc USCIRF đơn phương xếp Việt Nam vào danh sách CPC cho thấy quan điểm mang tính định kiến, áp đặt của tổ chức này, trong khi quan hệ ngoại giao và quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội giữa hai nước đang được đẩy mạnh lên tầm cao mới – quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Hai là, tổ chức USCIRF tìm cách bóp méo sự thật, diễn giải tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam theo hướng chủ quan, có chủ đích riêng và tìm cách lôi kéo, tập hợp những thành phần chống phá Việt Nam tạo thành liên minh công kích Việt Nam cả trong và ngoài nước. Điều này được thể hiện rõ trong nội dung của bản phúc trình năm 2025 khi họ đã cố tình đánh giá sai lệch về hoạt động của các tổ chức tôn giáo, chọc ngoáy vào những vấn đề mâu thuẫn, tồn tại phức tạp về an ninh, trật tự trong thời gian dài của các nhóm, tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân; hỗ trợ, bênh vực cho những cá nhân, tổ chức tôn giáo có hoạt động vi phạm pháp luật, tổ chức tà giáo, có yếu tố mê tín dị đoan, trục lợi, gây phức tạp trật tự công cộng.

Ngoài ra, tổ chức USCIRF lên tiếng vu cáo chính quyền Việt Nam trong cách thức quản lý, vận hành mô hình quản lý nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo, từ đó yêu cầu Việt Nam sửa đổi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 theo hướng có lợi cho những cá nhân, tổ chức tôn giáo hoạt động có yếu tố chính trị, cực đoan, vi phạm quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực, gây dư luận xấu trong cộng đồng xã hội.

Ba là, những nhận định, đánh giá sai lệch trong bản phúc trình năm 2025 của tổ chức USCIRF sẽ là cái cớ để các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, tổ chức phản động lưu vong ở bên ngoài vin vào nhằm gây sức ép, chống phá chính quyền Việt Nam. Tại Mỹ, một số chính khách thiếu thiện chí với Việt Nam (điển hình như Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, đảng Dân chủ, bang Maryland; dân biểu Christopher Smith, đảng Cộng hoà, bang New Jersey) đã lên tiếng ủng hộ kết luận của bản phúc trình, cổ súy cho những quan điểm lệch lạc, sai trái đối với tình hình tôn giáo tại Việt Nam.

Đặc biệt, sau khi bản phúc trình năm 2025 của USCIRF được công bố, tổ chức khủng bố “Ủy ban cứu trợ người vượt biển - BPSOS” đã đăng đàn trên các diễn đàn, hội luận trực tuyến, mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, kích động, chia rẽ khối đoàn kết giữa các tổ chức tôn giáo, gây mâu thuẫn giữa những người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo trong nước.

Trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam đang có nhiều bước tiến về lĩnh vực nhân quyền, tự do tôn giáo, điều này được thể hiện ở một số thành tựu nổi bật như:

Dưới góc độ quản lý nhà nước về tôn giáo, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã không ngừng cải thiện về quy định pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và mô hình quản lý nhà nước về tôn giáo. Điều này được thể hiện rõ trong việc thống nhất, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân trong cả nước với các quy định tại Hiến pháp; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Nghị định số 95/NĐ-CP năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Mặt khác, mô hình quản lý nhà nước về tôn giáo đã có sự sắp xếp, linh hoạt nhằm phục vụ nhu cầu của cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện các yêu cầu đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở, đăng ký tư cách pháp nhân cho tổ chức tôn giáo, đăng ký đào tạo chức sắc, từ thiện nhân đạo trong tôn giáo… đều được quan tâm, rút ngắn thủ tục hành chính, tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh cho mỗi tổ chức tôn giáo trước pháp luật.

Ngoài ra, các sự kiện, lễ hội trong tổ chức tôn giáo đã và đang được sự quan tâm của chính quyền các cấp và người dân nhằm phát huy nguồn lực trong tôn giáo phát triển kinh tế, xã hội tại từng địa phương trong cả nước. Hàng năm, tại Việt Nam có khoảng hơn 14.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó nhiều lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo lớn có sức ảnh hưởng trong cộng đồng xã hội, thậm chí vươn mình ra nhiều nơi trên thế giới. Năm 2025, Việt Nam tiếp tục đăng cai tổ chức Đại lễ VESAK của Phật giáo (dự kiến tổ chức tháng 5/2025 tại thành phố Hồ Chí Minh), lễ hội yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Đài (tháng 8 hàng năm), lễ hành hương La Vang, Sở Kiện (Công giáo)…, đều có sức ảnh hưởng, thu hút hàng chục vạn tín đồ, người dân trong nước và khách quốc tế tham dự.

Sự lan tỏa về tự do tôn giáo còn được thể hiện trong việc tạo điều kiện để người nước ngoài khi đến Việt Nam du lịch, công tác, học tập có thể được tham gia sinh hoạt tôn giáo. Tính đến năm 2025, trong cả nước có hơn 70 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài với hơn 10.000 người thường xuyên tham dự các cuộc lễ và được chính quyền cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 100% các điểm nhóm.

Từ những con số, dữ liệu nêu trên về tình hình sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam thời gian qua là bằng chứng sống động, rõ ràng nhất phủ nhận, bác bỏ những luận điểm thiếu cơ sở, những cáo buộc phi lý trong “Phúc trình tự do tôn giáo năm 2025” do tổ chức USCIRF áp đặt với Việt Nam. Thiết nghĩ rằng, tổ chức USCIRF cần nghiêm túc xem xét, đánh giá lại những quan điểm của mình để phù hợp với tình hình thực tiễn đang diễn ra tại Việt Nam; đồng thời, tạo mối liên kết thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Mỹ với Việt Nam trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đi vào thực chất, theo chuẩn mực luật pháp quốc tế mà cả hai nước đã tham gia, ký kết, tôn trọng.

Nguyễn Xuân Thịnh 

3 nhận xét:

  1. Lại thêm một bản “phúc trình” mang đầy định kiến, phiến diện và áp đặt từ tổ chức USCIRF – một tổ chức tư vấn dưới danh nghĩa “độc lập”, nhưng thực chất đang bị chính trị hóa nặng nề để phục vụ cho lợi ích đối ngoại của Chính phủ Mỹ. Dễ thấy rằng, năm nào cũng vậy, cứ đến hẹn là tổ chức này lại dựng lên những bản báo cáo được gọi là “đánh giá tình hình tự do tôn giáo”, trong đó đặc biệt nhắm vào các quốc gia không đi theo “tiêu chuẩn dân chủ kiểu Mỹ” – và Việt Nam luôn là mục tiêu thường xuyên bị lôi kéo, vu cáo.

    Điều đáng nói là những nội dung trong bản phúc trình năm 2025 không dựa trên khảo sát độc lập, khách quan nào tại Việt Nam, mà phần lớn lấy thông tin từ những tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, thậm chí là có hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Việc USCIRF đề xuất đưa Việt Nam vào danh sách “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” (CPC) không phải là vì quan tâm đến quyền tự do tín ngưỡng của người Việt, mà là nhằm tạo ra công cụ gây sức ép chính trị, đòn bẩy đàm phán trong các vấn đề hợp tác quốc tế. Đây là thủ thuật cũ kỹ mà bất kỳ ai theo dõi tình hình quốc tế đều dễ dàng nhận ra.

    Thực tế tại Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại: Tự do tôn giáo không chỉ được hiến định trong Hiến pháp, mà còn được cụ thể hóa bằng hệ thống luật pháp rõ ràng, đồng bộ như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Nghị định 95/2023/NĐ-CP, với tinh thần tạo điều kiện tối đa để các tổ chức tôn giáo hoạt động bình đẳng, đúng pháp luật. Việt Nam hiện có 43 tổ chức tôn giáo được công nhận, hàng ngàn cơ sở thờ tự, hàng chục nghìn lễ hội lớn nhỏ diễn ra hàng năm với sự tham dự của hàng triệu người, kể cả người nước ngoài – đây chẳng phải là minh chứng sống động cho sự tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo đó sao?

    Việc USCIRF cố tình “bẻ cong sự thật” khi vu cáo Việt Nam “đàn áp tôn giáo” hay “ngăn cản hoạt động tôn giáo” là một cách làm thiếu trách nhiệm và thiếu thiện chí. Thậm chí, việc họ bảo vệ và cổ súy cho những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật dưới danh nghĩa tôn giáo – trong đó có những tổ chức tà đạo, mê tín dị đoan, gây mất ổn định an ninh trật tự – cho thấy rõ động cơ chính trị của bản phúc trình này. Họ không nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo, mà đang lợi dụng chiêu bài tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

    Trong thời điểm hiện nay, khi Việt Nam và Hoa Kỳ đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, rất cần những đánh giá khách quan, thiện chí và có trách nhiệm từ cả hai phía. Một bản phúc trình sai lệch như của USCIRF không chỉ làm tổn hại đến hình ảnh quốc tế của Việt Nam mà còn đi ngược lại tinh thần hợp tác, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Nếu thật sự quan tâm đến tự do tôn giáo, hãy đến và tận mắt chứng kiến hàng nghìn lễ hội lớn nhỏ tại Việt Nam, lắng nghe chính tín đồ tôn giáo đang sinh sống, sinh hoạt trong môi trường hòa bình, ổn định, thay vì dựa vào những nguồn tin thiếu kiểm chứng và mang màu sắc thù địch.

    Đã đến lúc USCIRF cần dừng lại những đánh giá sai lệch, thiên kiến và học cách nhìn nhận khách quan hơn, công bằng hơn đối với một đất nước đang ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trên trường quốc tế như Việt Nam. Tôn giáo cần được bảo vệ, nhưng cũng không thể bị lợi dụng làm công cụ chính trị hóa theo cách mà bản phúc trình này đang thể hiện.

    Trả lờiXóa
  2. Mỗi năm khi USCIRF công bố “phúc trình tự do tôn giáo”, tôi luôn đặt ra câu hỏi: Những người viết báo cáo này đã từng đến Việt Nam để tìm hiểu thực tế chưa? Họ đã từng tham gia một buổi lễ tại chùa Vĩnh Nghiêm, thánh đường Cao Đài Tây Ninh, hay lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Đức Bà TP.HCM chưa? Họ có từng tận mắt chứng kiến hàng trăm nghìn tín đồ hành hương về La Vang, Yên Tử hay Hương Sơn trong không khí trang nghiêm, bình yên và được tổ chức quy củ hay không? Nếu chưa từng, thì cơ sở nào cho những cáo buộc rằng Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo?

    Là một công dân Việt Nam, tôi chứng kiến mỗi ngày sự hiện diện phong phú và đa dạng của các tôn giáo – từ Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, đến Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo… Mỗi tổ chức đều có không gian sinh hoạt riêng, có hệ thống đào tạo, truyền giáo, xây dựng cơ sở thờ tự và tổ chức sự kiện thường niên quy mô lớn, với sự tạo điều kiện từ chính quyền. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý vững chắc, không những bảo vệ quyền tự do tôn giáo, mà còn bảo đảm các tôn giáo phát triển hài hòa với đời sống xã hội, không bị lợi dụng cho các mục đích cực đoan.

    Việc USCIRF đề xuất đưa Việt Nam vào danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” chẳng khác nào một hành động quy kết thiếu căn cứ, mang động cơ chính trị nhiều hơn là thiện chí xây dựng. Họ không chỉ phớt lờ nỗ lực cải cách hành chính trong quản lý tôn giáo ở Việt Nam, mà còn tiếp tay cho những tổ chức có hành vi lợi dụng tôn giáo để chống đối nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc – những tổ chức vốn bị chính tín đồ chân chính lên án vì làm hoen ố giá trị đức tin.

    Thay vì nhìn nhận tôn giáo trong đời sống cộng đồng bằng sự khách quan và tôn trọng, tổ chức USCIRF lại cố tình khoác lên Việt Nam một “chiếc áo” mà chúng ta chưa từng mặc. Những đánh giá của họ không chỉ sai lệch, mà còn vô tình kích động sự nghi kỵ, chia rẽ giữa các cộng đồng tôn giáo trong nước và gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh quốc tế của Việt Nam.

    Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc các tổ chức quốc tế như USCIRF cần gạt bỏ định kiến, mở lòng tìm hiểu thực tiễn khách quan, và thay vì lên án từ xa, hãy đến tận nơi, đối thoại thẳng thắn với các chức sắc, tín đồ tôn giáo, những người đang ngày ngày sống đức tin của mình một cách tự do, yên bình trên đất nước này. Chỉ có như vậy, mới có thể xây dựng được sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

    Trả lờiXóa
  3. Thật đáng tiếc khi một tổ chức như USCIRF – vốn được cho là “tham vấn độc lập” – lại tiếp tục đưa ra những đánh giá thiếu khách quan, phiến diện và thiên lệch về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Trong khi Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo – đặc biệt là với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định 95/2023/NĐ-CP – thì USCIRF dường như cố tình phớt lờ những thành tựu đó, để tiếp tục áp đặt một cách nhìn mang tính “tiêu chuẩn kép”, đi ngược lại nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và pháp luật quốc gia.

    Điều đáng lưu ý là bản phúc trình năm 2025 không đưa ra được dẫn chứng cụ thể, mà chủ yếu dựa vào các nguồn thông tin một chiều, thậm chí từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam. Việc USCIRF sử dụng các luận điệu, thông tin từ những tổ chức phản động lưu vong như BPSOS – một tổ chức đã bị nhiều cộng đồng người Việt tại hải ngoại lên án vì xuyên tạc và bóp méo tình hình đất nước – càng cho thấy báo cáo này thiếu tính trung thực và không đáng tin cậy.

    Cần nhìn nhận rằng, trong suốt quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần cởi mở, hợp tác và cầu thị trong vấn đề nhân quyền, trong đó có tự do tôn giáo. Việt Nam hiện là thành viên của nhiều công ước quốc tế quan trọng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), và luôn tuân thủ nguyên tắc không phân biệt đối xử, đảm bảo quyền của mọi công dân – bao gồm cả tín đồ tôn giáo và người không theo tôn giáo.

    Việc USCIRF vẫn tiếp tục khuyến nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC bất chấp nhiều lần bị phía Việt Nam và cộng đồng quốc tế phản đối cho thấy rõ ràng một cách tiếp cận thiên vị, không phù hợp với tinh thần đối thoại và hợp tác. Đây không chỉ là hành vi làm tổn hại quan hệ song phương Việt – Mỹ, mà còn là sự can thiệp thiếu thiện chí vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.

    Nếu thực sự mong muốn thúc đẩy tự do tôn giáo trên thế giới, USCIRF nên từ bỏ cách tiếp cận mang tính áp đặt và phiến diện, thay vào đó hãy tiếp xúc thực tế, lắng nghe tiếng nói từ các cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam – những người hiểu rõ nhất họ đang sống trong môi trường tín ngưỡng như thế nào. Chỉ như vậy, mọi cuộc đối thoại quốc tế mới thực sự mang tính xây dựng và đáng tin cậy.

    Trả lờiXóa