Ngày: Tháng Bảy 10, 2025 

Chính quyền địa phương 2 cấp và sự nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống chính trị là không thể phủ nhận

Hoàng Anh Quân

Bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp trên cả nước đi vào hoạt động (từ ngày 1/7/2025 đến nay vừa tròn 10 ngày), với những kết quả khả quan được ghi nhận (đảm bảo sự thuận lợi, hanh thông, nhanh gọn, sự vận hành thông suốt của các cơ quan chức năng, thể hiện rõ sự gần dân, sát dân, phục vụ người dân được tốt hơn…) đã chứng minh rằng: Việc tổ chức, vận hành chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã ) thay cho 3 cấp đã kéo dài bao năm nay (tỉnh, huyện và xã) ở Việt Nam là kết quả của một chủ trương đúng, hợp lòng Dân, đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình, chứ đó không phải là “việc làm” chủ quan, nôn nóng, vội vàng, chụp giật, không theo quy định, nhiều rủi ro, rối loạn, cải cách nửa vời, gây hoang mang trong xã hội, vì lợi ích cá nhân, do nhóm lợi ích thao túng… để tạo dấu ấn cá nhân, để cá nhân hoá quyền lực như các phần tử bất mãn, cơ hội, phản động, thù địch xuyên tạc. Thực tế cho thấy là:

1. Tổ chức và vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp là hợp hiến, hợp pháp, hợp ý Đảng, hợp lòng Dân.

Chủ trương này được triển khai thực hiện theo đúng tinh thần Kết luận số 126-KL/TW về “Một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025”, Kết luận 127-KL/TW về “Triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị“,  Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “5. Cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp…” và theo Điều 110 của Hiến pháp (sửa đổi): “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành hai cấp, gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do luật định. Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập” cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2025; đồng thời được cả hệ thống chính trị và nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Việc tổ chức và vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp trên thực tế không chỉ bảo đảm sự phân định rõ, không trùng lắp, chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp chính quyền, mà còn phù hợp với mô hình quản trị địa phương hiện đại (tinh,  gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu năng hoạt động của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Vì thế, vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp ở Việt Nam không chỉ có ý nghĩa như một bước ngoặt trọng đại, mang tính lịch sử, mà còn khẳng định thông điệp về chủ trương quyết liệt, không chùn bước – quyết tâm triển khai nhanh, gọn – biện pháp cải cách mạnh mẽ, thực chất của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm.

2. Tổ chức, vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp là quyết định cải cách nhanh, gọn, dứt khoát và sự nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

Sự tổ chức, vận hành của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, của thời đại cho thấy ý Đảng đã hợp lòng Dân khi đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được xây dựng và thực hiện trên tinh thần nhất quán: Lấy dân làm gốc, dân là chủ, dân làm chủ, người dân là trung tâm của công cuộc đổi mới. Đó cũng chính là đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, vì nhân dân phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tư duy quản trị quốc gia hiện đại để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thực tế, mọi cải cách chính trị, hành chính mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang quyết tâm thực hiện là để đưa đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới; là để mỗi cơ quan công quyền đều tinh, gọn, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân kịp thời, chất lượng và hiệu quả hơn. Cho nên, việc tổ chức và vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp không đơn giản chỉ là sự sắp xếp tinh gọn tổ chức, về con người, mà còn là thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương, để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm trên tinh thần nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương, giúp giảm biên chế, giảm chi tiêu, tiết kiệm ngân sách để dành cho những nhiệm vụ quan trọng khác khi đất nước vươn mình.

Sự phân cấp, phân quyền này vừa tạo ra một hệ thống hành chính thống nhất, đồng bộ, thông suốt, hiệu quả hơn, vừa tạo cơ hội – điều kiện để mỗi cán bộ, công chức nỗ lực tự trau dồi chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức công vụ, nâng cao năng lực, chất lượng thực thi công vụ. Từ sự thật đó, có thể khẳng định việc đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, nhanh, gọn để sắp xếp tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của hệ thống chính trị; để vận hành chính quyền địa phương 2 cấp đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là đúng đắn, là sự nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống chính trị, vì “chậm trễ là có lỗi với nhân dân”, là “cản trở sự phát triển của đất nước” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh.

Một đất nước đang chuyển mình, một mô hình chính quyền địa phương mới được tổ chức và hoạt động theo hướng tinh, gọn có nhiều ưu điểm, song cũng có không ít những thách thức, những ý kiến lo ngại (tâm lý e dè cái mới; tình trạng quá tải cho cán bộ cấp cơ sở khi một người phụ trách nhiều lĩnh vực; sự thay đổi về địa lý khi phải di chuyển một quãng đường xa hơn…) chắc chắn sẽ đơm hoa, kết trái khi có sự đồng tâm, nhất trí, đoàn kết “muôn người như một” của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Vì thế, có thể thấy là, trong khi các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn, cơ hội, phản động xuyên tạc, bôi đen sự thật, bóp méo bản chất việc tổ chức, vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nhằm gây hoang mang, hoài nghi trong nhân dân và kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thì dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ hết lòng của các tầng lớp nhân dân, mô hình này đã được hiện thực hóa từ ngày 1/7/2025. Việc tinh giản, sắp xếp hợp lý bộ máy ở Trung ương và địa phương này không chỉ góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới, mà còn là bước đi cần thiết, tạo cơ chế giám sát minh bạch để công cuộc phòng, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đạt hiệu quả cao hơn. Và cũng vì thế, chắc chắn việc thực hiện, vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp sẽ thành công, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý hiệu lực của Nhà nước trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét