Việt Tân chống phá việc “sắp xếp lại giang sơn” của Việt Nam như thế nào

Ngày: Tháng Bảy 1, 2025

 Quang An

Trong thời gian vừa qua, khi cả nước đang hân hoan, tin tưởng trước những đổi mới có tính cách mạng, lịch sử thì tổ chức phản động, khủng bố Việt Tân vẫn thường xuyên xuyên tạc, bôi nhọ Việt Nam, điển hình như vấn đề Việt Nam đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và sắp xếp lại các đơn vị hành chính địa phương. Những luận điệu trơ trẽn của chúng là:

1. Chúng dựng chuyện rằng “Tinh giản bộ máy là mánh lới của con buôn, ai phong bì dày thì vào biên chế”

Đây là một sự xúc phạm trắng trợn đến hàng triệu cán bộ, công chức đang ngày đêm làm việc vì dân. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được thực hiện theo đúng nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, trên cơ sở nghị quyết của Trung ương và quy trình chặt chẽ, minh bạch.

Không thể lấy vài hiện tượng tiêu cực để quy kết cả một quá trình đổi mới toàn diện hệ thống chính trị. Nếu ai đó có sai phạm, thì pháp luật sẽ xử lý nghiêm – đó là biểu hiện của một nhà nước pháp quyền, không phải là “mánh lới”. Việc lựa chọn cán bộ hiện nay ngày càng dựa trên năng lực, phẩm chất, kết quả thực tiễn, chứ không phải “phong bì dày” như Việt Tân xuyên tạc.

2. Chúng bôi nhọ rằng “Tổ chức thối rữa từ trong, đổi tên cũng vô ích vì cán bộ sống trong đặc quyền”

Cần nhấn mạnh: việc tinh gọn tổ chức không chỉ là “đổi tên” mà là đổi mới toàn diện về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và cách vận hành. Trong quá trình đó, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ ngày càng được siết chặt, công khai, minh bạch và dựa vào kết quả công việc.

Việt Tân đã cố tình phủ nhận nỗ lực tự chỉnh đốn của Đảng – trong khi chính sự quyết liệt ấy đã đưa hàng trăm cán bộ cấp cao ra xử lý trước pháp luật. Nếu thực sự “đầy đặc quyền, thiếu trách nhiệm”, làm sao có thể có những vụ việc trước đây như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng,  hay mới đây là hàng loạt cán bộ bị khởi tố vì sai phạm trong công tác, quản lý đất đai, tài chính…?

Cải cách là quá trình từng bước, không thể ngày một ngày hai. Nhưng có quyết tâm, có cơ chế kiểm soát quyền lực, thì mới là con đường đúng đắn, không phải hằn học như cách Việt Tân xuyên tạc

3. Chúng lợi dụng các vụ việc cá biệt như “bứng cây mai”, “nợ tiền cơm”, “đốt tài liệu” để bôi nhọ hệ thống

Đây là những trường hợp đơn lẻ, đúng sai tùy trường hợp cụ thể mà phải là người hiểu biết, nắm bắt thông tin chính thống mới đánh giá, nhận xét được. Những trường hợp có sai phạm đã và đang bị xem xét, xử lý theo quy định pháp luật, kỷ luật công tác. Không một ai được dung túng nếu vi phạm đạo đức công vụ hay sai phạm trong lĩnh vực tài chính.

Tuy nhiên, Việt Tân lại cố tình khái quát hóa sai lệch, biến các sai phạm cục bộ thành bản chất của cả hệ thống – đây là thủ đoạn xuyên tạc rất nguy hiểm, thâm độc. Hãy đặt câu hỏi: ở nước nào mà không có cán bộ thoái hóa? Nhưng chỉ ở Việt Nam, người dân ngày càng mạnh dạn tố giác, báo chí được quyền phản ánh, và cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh – đó mới là tiêu chuẩn của một hệ thống dám tự soi mình.

4. Chúng dựng đứng ra những câu chuyện như luận điệu “cháy nhà ra mặt chuột” – cho rằng cải cách là để xóa nợ, bao che sai phạm

Một lần nữa, Việt Tân gian xảo đánh tráo bản chất. Sáp nhập, tinh gọn bộ máy không hề nhằm che giấu sai phạm. Trái lại, chính quá trình sáp nhập đã giúp bộc lộ sai phạm và là cơ hội để làm trong sạch đội ngũ, tái cơ cấu nợ công, phân định rõ trách nhiệm. Chính quyền các cấp vẫn có trách nhiệm tiếp nhận nợ, tài sản và nghĩa vụ pháp lý từ các đơn vị sáp nhập. Luật Ngân sách, Luật Quản lý tài sản công và Luật Cán bộ công chức đã quy định rõ điều này. Không có “lá chắn vô trách nhiệm” nào ở đây cả.

5. Chúng xuyên tạc cán bộ là “sản phẩm lò chính trị đặc quyền”

Đây là sự xuyên tạc thô thiển về hệ thống đào tạo cán bộ của Đảng. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị tỉnh/thành là nơi rèn luyện lý luận, đạo đức, kỹ năng quản lý nhà nước. Đó là yêu cầu tất yếu với đội ngũ công bộc của dân, chứ không phải “lò đặc quyền”. Thực tế cho thấy, rất nhiều cán bộ trẻ, có năng lực, xuất thân bình dân, học hành bài bản, đang ngày càng được trọng dụng, có nhiều đóng góp cho xã hội, cho nhân dân. Nếu không có đội ngũ cán bộ như vậy thì làm sao Việt Nam có những thành tựu, có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay.

Kết luận:

Quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Việt Tân không phải vì dân chủ, càng không vì nhân dân. Chúng cố tình khoét sâu vào những hiện tượng cá biệt, rồi bóp méo thành bản chất để kích động sự hoài nghi, mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, Nhân dân Việt Nam đủ tỉnh táo để thấy rằng: Đổi mới là quá trình cần thiết, không hoàn hảo nhưng không thể đảo ngược. Chúng ta nhìn nhận cả thành tựu và hạn chế để cùng sửa đổi, chứ không thể sống trong một vỏ bọc an toàn, bảo thủ, trì trệ, chỉ biết lo thu vén cho lợi ích của bản thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét