Phải chăng phát triển kinh tế tư nhân là xa dần chủ nghĩa xã hội, là có tội với dân?

 Ngày: Tháng Bảy 3, 2025

Dương Phương Duy

1. Sau 40 năm đổi mới toàn diện đất nước, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tôn trọng quy luật khách quan, chúng ta nhận thấy rằng, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, thậm chí có khâu đang là “điển nghẽn”, “nút thắt” cần phải tháo gỡ, kịp thời giải quyết để tăng năng xuất lao động, có đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Đúng là trong “cái khó đã ló cái khôn”, nhờ tổng kết thực tiễn quản lý nền kinh tế đất nước đã giúp Đảng ta kịp thời đề ra các chủ trương, quyết sách phát triển kinh tế nước tư nhân phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới, thích ứng với thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Đảng coi nó là động lực chủ yếu để thu hút người lao động, giải quyết công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm hàng hóa, đồ dùng, vật dụng; tăng thêm thu nhập cho người lao động, ích nước, lợi nhà. Vì vậy, kinh tế tư nhân cùng với các thành phần kinh tế khác đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Việt Nam phát triển đúng định hướng chính trị của Đảng. Thế nhưng, đã có ý kiến cho rằng, với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, Đảng ta đang xa dần chủ nghĩa xã hội, là đổi mới “lạc đường”, “chệch hướng”. Thực hư vấn đề này như thế nào, thực tiễn đang cần lời giải đáp.

Sau khi Đảng ta ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân, có ý kiến cho rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam đang lấy tay tự chọc mắt mình” vì xa rời nguyên tắc mác xít – lêninnít bởi chấp nhận phát triển kinh tế tư nhân là mạo hiểm, là “một bước lùi lịch sử”, Đảng từng bước “xa dần chủ nghĩa xã hội”, “tiến dần đến chủ nghĩa tư bản”. Họ cho rằng, đây là sự “đổi mới lạc đường”, “chệch hướng xã hội chủ nghĩa”; Đảng đã làm trái với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Luận điểm này cho rằng, kinh tế tư nhân đối lập với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể – những yếu tố cấu thành nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Việc Đảng tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, đóng vai trò “đẫn dắt” là làm cho nó từng phút, từng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản, phá hoại kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể từ bên trong; hủy hoại các nhân tố xã hội chủ nghĩa. Đây là điều Lãnh tụ Lênin đã cảnh báo hơn một thế kỷ trước đây.

Vì vậy, không ít học giả, nhà lý luận đã “nghi ngờ” quyết sách của Đảng, thậm chí có người quyết liệt phản đối chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, nhất là khi Đảng coi triển kinh tế tư nhân là động lực chủ yếu để phát triển đất nước; kinh tế tư nhân có vai trò dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Không ít người cho rằng, quyết sách này của Đảng là không thể chấp nhận vì phát triển kinh tế tư nhân là trái với quy luật phát triển của chủ nghĩa xã hội, là làm cho “các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa” lớn dần lên trong lòng chế độ xã hội chủ nghĩa”, “xa lạ với chủ nghĩa xã hội” đến một lúc nào đó sẽ “nuốt chửng” nền kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, phá tan cái nền gốc của chủ nghĩa xã hội.

Hơn thế, ý kiến này quy kết rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam vì quá nôn nóng với thành tích, muốn nhanh chóng làm giầu, sớm trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng nên đã “đốt cháy giai đoạn”, từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đi theo “vết xe đổ của các nước từng là chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô”. Ý kiến khác cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép kinh tế tư nhân phát triển ở nước ta là “tự đánh mất bản chất giai cấp công nhân của Đảng”, là “một bước thụ lùi sai lầm” vì Đảng đang chuyển chế độ xã hội chủ nghĩa sang chế độ tư bản chủ nghĩa; phá hỏng thành quả cách mạng hơn 95 năm xây dựng. Lợi ít, hại nhiều; làm như thế là có tội với vong linh các lãnh đạo tiền bối, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nước, vì dân.

Lợi dụng mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và các phần tử bất mãn đã cấu kết với nhau, cùng vào hùa viết bài, dàn dựng các vi deo clip, tổ chức các cuộc phỏng vấn, trả lời phỏng vấn dưới nhiều hình thức “bàn tròn”, “bàn vuông” để công kích, châm trích, xuyên tạc sự thật, cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “không còn xanh vỏ, đỏ ruột” như trước đây nữa, “tất cả đã đen xì”; “Việt Nam đang lao dốc không phanh”; “thành quả cách mạng 95 năm xây dựng đã đổ xuống sông, xuống biển, thật phí hoài công sức của dân”; thậm chí có ý kiến cho rằng “Việt Nam đang theo đuôi phương Tây, đi theo NATO”v, v.. Theo họ, cuộc cách mạng tinh gọn về bộ máy của hệ thống chính trị và sát nhập cùng với thực hiện chính quyền địa phương hai cấp là hợp lô gíc với sự phát triển kinh tế tư nhân. Đây là con đường đi lên chủ nghĩa tư bản không cần bàn cãi.

2. Thực hư vấn đề này đã rõ. Những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta đã “nhìn thấy cây mà không thấy rừng”, “chỉ biết một mà không biết hai”, đã bóp méo sự thật; không hề đếm xỉa đến đặc điểm tình hình thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đã đồng nhất thời kỳ này với chủ nghĩa xã hội; không nhận ra thực tiễn đất nước sau 40 năm đổi mới đang đặt ra những yêu cầu khách quan, tính tất yếu phải phát triển nền kinh tế tư nhân trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền lãnh đạo, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam điều hành, quản lý tập trung, thống và hệ thống pháp luật Việt Nam ràng buộc chặt chẽ để đất nước có sự phát triển “bứt phá”, hợp với thời cuộc, xu thế của thời đại.

Sai lầm chính của những người nêu trên là tách rời kinh tế tư nhân và đối lập nó với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể; tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân, coi nó là cái duy nhất quyết định bản chất chế độ ta, thêu dệt và bịa ra những điều mà Đảng không nói, không làm như vậy. Họ tưởng tượng và suy luận sai thực tế theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”. Đây là điều sai trái và cũng là điểm yếu kém nhất của họ khi rơi vào phương pháp tư duy siêu hình, nó hoàn toàn trái ngược với phương pháp tư duy biện chứng khoa học của Đảng ta.

Xem xét bản chất chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đảng ta trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, chúng ta hiểu rõ hơn quyết sách chiến lược, đường đi nước bước khôn sáng, mưu lược của Đảng ta – Một Đảng hơn 95 năm đã một lòng một dạ vì dân vì nước, đã kiên định, vững vàng trong bão táp cách mạng, đã lãnh đạo Nhân dân ta làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và giặc bành trướng, đã lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành sự nghiệp đổi mới thành công, lẽ nào Đảng đi ngược lại lợi ích quốc gia – dân tộc, phụ bạc niềm tin yêu của Nhân dân và tự rũ bỏ vai trò, sứ mệnh lệch sử mà lịch sử và Nhân dân đã ủy thác.

Rõ ràng là, quan điểm cho rằng phát triển kinh tế tư nhân là “tư nhân hóa” nền kinh tế, là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa là hoàn toàn sai trái. Thực chất của quan điểm này là biện hộ cho quan điểm của chủ nghĩa cá nhân bằng các thông tin sai lệch, bịa đặt, vu cáo; lợi dụng các vấn đề nóng về tham nhũng từ các vụ án hình sự liên quan đến doanh nhân như: Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh, Đỗ Anh Dũng, Trương Mỹ Lan…; để tung ra các luận điệu xuyên tạc, gây hoang mang dư luận. Qua đó, kích động sự bất mãn trong xã hội, tạo ra sự chia rẽ, đối lập giữa các thành phần kinh tế ở nước ta và làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc, chúng ta phải hết sức cảnh giác; không mắc mưu của các thế lực trên.

Như chúng ta đã biết, kinh tế tư nhân là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế thị trường, bao gồm các doanh nghiệp và hộ kinh doanh thuộc sở hữu tư nhân. Nó thực hiện vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sinh kế công ăn, việc làm cho người lao động. Chính điều này đã được chủ nghĩa Mác – Lênin xác định: sự tồn tại của kinh tế tư nhân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan, cần thiết vì nó góp phần xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, các Đảng Cộng sản phải quản lý nó chặt chẽ và phải cải tạo thành phần kinh tế này thật nghiêm túc, coi nó là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Đối với nước ta, kinh tế tư nhân được Đảng ta xác định là bộ phận cấu thành và “là động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế. Bởi phát triển kinh tế tư nhân vừa là yêu cầu khách quan, cấp thiết trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa là đối sách chiến lược của Đảng ta trong kỷ nguyên phát triển của dân tộc; đương nhiên là bên cạnh nó, còn có các thành phần kinh tế nhà nước và tập thể với sứ mệnh vĩ đại của mình. Vì vậy, “xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng hướng”[1] là việc làm cần thiết trong giai đoạn lịch sử này. Đảng ta khẳng định: kinh tế tư nhân được làm những gì mà “pháp luật không cấm” và nó đúng với lời dạy của Bác Hồ: “Điều gì có lợi cho dân thì nhất định phải làm, điều gì có hại cho dân thì nhất định phải tránh”[2].

3. Thực tế chứng minh rằng, chính sách “khoán 10 trong nông nghiệp”  đã phát huy triệt để mọi nguồn lực trong Nhân dân nên “nông dân làm giàu từ đất” và nó đã giúp Nhân dân ta khắc được phục nạn đói kinh niên. Năm 1989, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu gạo. Đó là một chiến công của kinh tế tư nhân.

 Trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, Đảng ta xác định “kinh tế tư nhân là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với nhiều hình thức sở hữu và kinh doanh”. Trong giai đoạn 2002 – 2016, kinh tế tư nhân có bước phát triển mạnh mẽ, có đóng góp GDP ngày càng lớn và tạo ra việc làm, tăng thu ngân sách; nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nghị quyết Trung ương X của Đảng khẳng định “kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định kinh tế tư nhân là “động lực quan trọng nhất” cho sự phát triển. Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII xác định “phát triển kinh tế tư nhân là một mục tiêu quan trọng trong tiến trình đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nhấn mạnh kinh tế tư nhân cần trở thành động lực chính trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Điều đó khẳng định Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân là hoàn toàn đúng đắn. Đây là một quyết sách quan trọng để định hướng cho kinh tế tư nhân phát huy hết khả năng, nguồn lực, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng trong kỷ nguyên phát triển mới.

Rõ ràng là, phát triển kinh tế tư nhân rất cần cho chủ nghĩa xã hội, là có lợi cho dân, cho nước, hãy tiếp sức cho nó phát triển vững mạnh và hiệu quả hơn./.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 10-NQ/TW khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

[2] Bài viết Chủ tịch Hồ Chí Minh của  “Sao cho được lòng dân”, đăng báo Cứu quốc, số ra ngày 12/10/1945.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét