Thứ năm, 24/04/2025 - 05:29
LTS: Tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã khép lại. Cuộc đấu tranh chính nghĩa đó được nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới khâm phục, ngưỡng mộ bởi ý nghĩa nhân văn và tầm vóc chiến thắng vĩ đại, nhưng có những người vẫn mưu đồ lợi dụng văn chương hòng phủ nhận bản chất, xóa nhòa ranh giới chính nghĩa-phi nghĩa của cuộc chiến này.
Những ý kiến tâm huyết, khách quan, khoa học của các chuyên gia, nhà văn, nhà thơ ở trong nước và ngoài nước là bằng chứng sinh động, tiếng nói thuyết phục nhằm góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nguy hại trong lĩnh vực văn chương.
Suốt mấy chục năm gắn bó với công tác quản lý tư tưởng văn hóa, văn nghệ và có nhiều công trình, thành tựu trong nghiên cứu, quảng bá các tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật cách mạng, GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, khẳng định: Văn học và đội ngũ nhà văn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã làm tròn sứ mệnh cao cả và để lại những di sản văn chương quý giá trong kho tàng di sản văn học của dân tộc Việt Nam.
Văn thơ kháng chiến “có sức mạnh của cả một sư đoàn”
Phóng viên (PV): Trong tác phẩm “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên có câu thơ: “Ơi kháng chiến! Mười năm qua như ngọn lửa/ Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường”. Nếu ví cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là ngọn lửa soi rọi chân lý cách mạng giải phóng thì có thể nói đội ngũ nhà văn như ngọn đèn đứng gác, thưa ông?
![]() |
GS, TS Đinh Xuân Dũng: Tôi nghĩ sự ví von đó khá thú vị. Đã có một thế hệ văn nghệ sĩ tự nguyện gác lại việc riêng tư, xung phong vào chiến trường, cống hiến tuổi xuân và tài năng cho Tổ quốc.
Nhớ lại đầu thập niên 1970, tôi được hòa mình vào dòng người của cả nước tòng quân ra trận. Khi ấy, mẹ tôi 70 tuổi, phải có người dìu đi nhưng bà không khóc, trong đôi mắt ánh lên sự yêu thương, kiên nghị đến không ngờ. Hình ảnh ấy không bao giờ mờ phai trong ký ức tôi và giúp tôi càng cảm nhận sâu sắc ý nghĩa câu thơ của Nguyễn Khắc Phục: “Sao bóng mẹ yên lòng con đến thế/ Dù bên kia sông, pháo giặc chớp đầu nòng” ("Nhân dân tin yêu", 1973).
Đó chỉ là ký ức nhỏ của tôi, nhưng điều đó nói lên phần nào văn học đã góp phần nâng niu, khích lệ, động viên những người trai trẻ sẵn sàng lên đường với tinh thần: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu, "Theo chân Bác"). Các tác phẩm văn học kháng chiến lúc này như những ngọn lửa nhen lên tình yêu nước sôi nổi cho thế hệ trẻ, tiếp thêm sức mạnh ý chí tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho quân dân ta với một lý tưởng cách mạng cao đẹp, một tâm hồn trong sáng, một trái tim nồng nàn tình yêu quê hương, đất nước.
PV: Theo ông, văn học kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có ý nghĩa như thế nào đối với hành trình đi đến đỉnh cao thắng lợi huy hoàng của dân tộc ta ngày 30-4-1975?
GS, TS Đinh Xuân Dũng: Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, vừa cầm súng vừa cầm bút, bằng tâm huyết, trí tuệ, tài năng và tình yêu nước vô bờ bến của mình, các nhà văn đã sáng tạo nhiều tác phẩm văn học có giá trị. Thông qua những áng văn chương có sức lôi cuốn sống động, những lời thơ truyền cảm hứng mạnh mẽ, những hình tượng văn học như nữ anh hùng Út Tịch, chị Sứ, anh Giải phóng quân... có sức lay động hàng triệu trái tim con người, nhờ đó đã góp phần nhân lên sức mạnh tinh thần của quân dân ta dám đánh, quyết đánh và đánh thắng quân xâm lược Mỹ cùng bè lũ tay sai ngụy quyền để chúng ta đi đến ngày toàn thắng 30-4-1975.
Có thể nói rằng, thế hệ hôm nay và mai sau nhận diện được gương mặt oai hùng của thế hệ cha anh mình trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhờ những thông điệp sâu sắc được kết tinh, truyền tải từ những tác phẩm văn học tiêu biểu, điển hình như tập thơ “Gió lộng” và “Ra trận” của Tố Hữu; trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm”; tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu; truyện ký “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi; tiểu thuyết “Hòn đất” của Anh Đức; tập tùy bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” của Nguyễn Tuân... Nhiều bài thơ giá trị ra đời trong thời điểm này, như “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật được đánh giá “có sức mạnh của cả một sư đoàn”. Có được sức mạnh tinh thần to lớn ấy, đội ngũ nhà văn đã tự nguyện gắn bó sâu sắc với cuộc sống chiến đấu gian khổ của quân dân ta, như nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (“Những đêm hành quân”, 1966).
PV: Văn học kháng chiến không chỉ có giá trị với người Việt và nền văn hóa Việt mà còn là một trong những "cánh cửa" gần gũi để chúng ta giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, thưa ông?
GS, TS Đinh Xuân Dũng: Qua tìm hiểu, tôi được biết có hơn một nửa các tác phẩm dịch của văn học Việt Nam thuộc về mảng văn học kháng chiến cách mạng. Thời kỳ chiến tranh, các tác phẩm văn học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi... đã được dịch, giới thiệu và quảng bá tại các nước xã hội chủ nghĩa. Nhiều dịch giả nước ngoài, những người hết lòng ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam mong muốn đưa văn học kháng chiến, đất nước và con người Việt Nam đến gần hơn với bạn đọc trên thế giới.
Sau thời kỳ đổi mới, văn học kháng chiến được giới thiệu đa dạng hơn. Những tác phẩm thời hậu chiến như “Bức tranh” của Nguyễn Minh Châu, “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, nơi người đọc muốn xem người Việt nói gì về cuộc chiến thông qua ngôn ngữ của văn chương.
Viết đúng, viết hay về chiến tranh cũng vì khát vọng hòa bình cho dân tộc và nhân loại
PV: Văn học cách mạng kháng chiến có giá trị nhân văn như vậy, nhưng vì sao vẫn có những tiếng nói thiếu thiện chí, lệch lạc nhằm xuyên tạc, phủ nhận thành quả của dòng văn học này, thưa ông?
GS, TS Đinh Xuân Dũng: Ngoài mưu đồ chính trị của các thế lực thù địch muốn dùng văn học, nghệ thuật nhằm đánh tráo bản chất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và phủ nhận tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến này, đáng tiếc có một số người Việt mang tư tưởng cực đoan, có xu hướng phủ nhận các sáng tác văn học cách mạng của đất nước, kể cả của chính mình. Họ cho rằng, đó là những sáng tác theo sự lãnh đạo của Đảng và tự cho mình là một “kẻ hèn nhát” rồi “tự than” không đủ quyết tâm để viết khác đi. Họ đòi “đổi gác” trong thơ, cho là thế hệ thơ chống Mỹ, cứu nước đã làm xong nhiệm vụ lịch sử nên phải “thay gác”, phải “bàn giao cho thế hệ trẻ”. Thậm chí, một số tác phẩm văn học đã miêu tả cuộc chiến tranh vệ quốc chính nghĩa toàn một màu đen tối, chết chóc, bi kịch, vô nghĩa của số phận con người và của dân tộc. Nhận định như vậy là sự vong ân, đi ngược lại tính chất nhân văn vốn có của văn chương.
PV: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa nửa thế kỷ. Theo ông, làm thế nào để các tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh cách mạng tiếp tục là một trong những mạch nguồn, một trong những cảm hứng sáng tạo để nhà văn có thể cho ra đời những tác phẩm sâu sắc hơn, lay động lòng người hơn?
GS, TS Đinh Xuân Dũng: Dân tộc ta đã chiến thắng trong cuộc kháng chiến 30 năm, đó là sự thật hiển nhiên. Dòng văn học kháng chiến đã làm tròn sứ mệnh "Vì độc lập, tự do, núi sông hùng vĩ/ Vì thiêng liêng giá trị con người" (Tố Hữu, "Bài ca xuân 68"). Giờ đây, văn học trở về với quá khứ chiến tranh tự đặt cho mình một nhiệm vụ là tiếp tục khám phá và khám phá lại để phát hiện những vấn đề còn ẩn sâu trong quá khứ chiến tranh đó. Khi chiến tranh đã lùi xa, mọi sự kể tả giản đơn, chỉ miêu tả lại các sự kiện, biến cố chiến tranh, hành động của con người theo dạng dựng lại hay minh họa lịch sử đều chưa thỏa mãn với người viết và người tiếp nhận. Số phận, đường đời, đặc trưng tính cách con người trong chiến tranh còn vô vàn những điều chưa biết, còn nhiều ẩn số có thể và cần thiết phải lý giải. Chiến tranh được nhìn nhận như một sức mạnh ghê gớm, khốc liệt nhào nặn, chi phối con người, biến đổi con người đến tận cùng, trên cả hai cực tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn và có khi trộn lẫn cả hai cực đó trong một tính cách, một số phận.
Văn học phải quan tâm cả hai mặt, đó là miêu tả trung thực, chính xác, không cắt xén, không tô vẽ, không né tránh các mặt rất khác nhau, quyện chặt vào nhau của sự kiện chiến tranh; đồng thời nỗ lực phát hiện và đào sâu các vấn đề của chính hiện thực chiến tranh để giúp con người ngày hôm nay hiểu biết đầy đủ về cả diện mạo và chiều sâu của biến cố chiến tranh. Bằng con đường sáng tạo đó, vẻ đẹp, sự kiên cường, bản lĩnh và những hy sinh lớn lao của dân tộc ta sẽ được khám phá ngày càng sâu và mới, sinh động và đa chiều hơn.
Người viết phải tự đặt ra câu hỏi và trả lời bằng sáng tạo nghệ thuật: Khám phá quá khứ chiến tranh để làm gì? Trong chiến tranh, để động viên, cổ vũ, vẫy gọi con người kiên gan, bền chí. Còn khi chiến tranh đã lùi xa, không chỉ để thế hệ sau hiểu nhiều hơn, đúng hơn, sâu hơn về quá khứ đó mà còn là khát vọng tìm trong quá khứ những bài học, những kinh nghiệm-cả thành công và thất bại-nhằm góp phần giải đáp những vấn đề ngày càng đa dạng và phức tạp đang đặt ra trong hiện tại, hôm nay và thời gian tới. Đó là nhu cầu khám phá quá khứ chiến tranh để gặp gỡ với hiện tại.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
“Chúng ta vẫn hoàn toàn có quyền tự hào rằng, giai đoạn văn học, nghệ thuật đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, vì độc lập, tự do, vì thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và khát vọng chủ nghĩa xã hội”. (Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944-2024) tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ngày 25-7-2018) |
Nhóm phóng viên VĂN HÓA (thực hiện)
(còn nữa)
Không ai có quyền bóp méo sự thật lịch sử bằng ngòi bút văn chương. Văn học cách mạng, đặc biệt là văn học kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, không đơn thuần là những áng thơ văn lãng mạn – nó là dòng chảy tinh thần gắn bó máu thịt với số phận dân tộc trong những thời khắc sinh tử. Từng trang viết, từng lời thơ không chỉ phản ánh hiện thực chiến tranh khốc liệt mà còn nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng hòa bình của cả dân tộc Việt Nam. Đó là sự thật không thể phủ nhận và không một ai có quyền xuyên tạc, phủ định hay “xóa gác” những đóng góp vĩ đại đó.
Trả lờiXóaRất đáng tiếc khi vẫn có những cá nhân – vì động cơ chính trị hoặc vì tư tưởng lệch lạc – lại chọn cách phủ nhận thành tựu của nền văn học kháng chiến, xem nhẹ vai trò của văn nghệ sĩ trong cuộc chiến giành lại độc lập, tự do. Thậm chí, có người còn cực đoan đến mức quy kết toàn bộ những tác phẩm thời chiến là “tuyên truyền chính trị”, rồi vội vàng đòi “đổi gác”, đòi thay thế một dòng văn học đã từng thắp lửa tinh thần cho hàng triệu người dân Việt Nam trong thời khắc cam go nhất của lịch sử.
Cần phải khẳng định rằng: đội ngũ văn nghệ sĩ trong kháng chiến chống Mỹ không chỉ là những người viết sử bằng ngôn từ, mà chính họ đã viết bằng máu, mồ hôi, nước mắt và cả tuổi xuân nơi chiến trường. Họ sống và viết cùng nhân dân, cùng chiến sĩ, hòa vào từng bước hành quân, từng trận đánh, từng hy sinh. Những tác phẩm của họ đã và đang góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần truyền cảm hứng yêu nước, tinh thần bất khuất cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Vì vậy, bất kỳ hành vi nào cố tình bóp méo, bôi đen hoặc phủ nhận dòng văn học kháng chiến không chỉ là sự xúc phạm đến một giai đoạn thiêng liêng của lịch sử, mà còn là sự xúc phạm đến chính dân tộc này – dân tộc đã dám đứng lên chống lại các thế lực xâm lược để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chủ quyền.
Trong thời đại hôm nay, khi đất nước đang trên hành trình hội nhập và phát triển, văn học vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc vun đắp bản sắc dân tộc, nuôi dưỡng lòng tự tôn và ý chí vươn lên. Việc tiếp tục khai thác, làm sâu sắc thêm những giá trị của văn học kháng chiến không chỉ là tri ân quá khứ, mà còn là cách để soi sáng tương lai.
Văn học chân chính luôn đứng về phía sự thật, lương tri và chính nghĩa. Và lịch sử sẽ không bao giờ im lặng trước những mưu toan đánh tráo đúng - sai, chính nghĩa - phi nghĩa bằng vỏ bọc "văn học nghệ thuật".
Không thể và không bao giờ được phép lợi dụng văn chương để xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận một giai đoạn hào hùng, chính nghĩa của dân tộc. Văn học kháng chiến chống Mỹ là kết tinh của tinh thần yêu nước, là chứng nhân sống động cho một cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, thống nhất non sông. Đó không chỉ là di sản tinh thần vô giá của nhân dân Việt Nam, mà còn là sự đồng thuận và khâm phục của bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình và lẽ phải.
Trả lờiXóaViệc một số người có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng, rồi vin vào danh nghĩa “tự do sáng tác”, “quyền phê phán” để bôi đen, xuyên tạc, thậm chí phủ nhận hoàn toàn giá trị của văn học cách mạng là một điều đáng báo động. Khi văn chương không còn hướng đến sự thật khách quan, mà bị lợi dụng để phục vụ cho mưu đồ chính trị, thì đó không còn là nghệ thuật mà là một thứ “vũ khí mềm” nguy hiểm.
Chúng ta trân trọng và bảo vệ quyền sáng tạo nghệ thuật, nhưng quyền đó phải dựa trên nền tảng sự thật và đạo lý dân tộc. Không ai có quyền dùng văn học để gạt bỏ công lao của lớp lớp nhà văn – những người đã sống, chiến đấu, viết và hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cao đẹp. Những áng văn chương như “Hòn đất”, “Người mẹ cầm súng”, “Dấu chân người lính” hay thơ ca của Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật… đã tiếp thêm sức mạnh cho bao thế hệ thanh niên bước vào chiến trường với niềm tin và lý tưởng cao cả.
Càng trong thời đại hội nhập và giao thoa tư tưởng như hôm nay, càng cần giữ vững lập trường trong sáng, tỉnh táo với những “biến thể” văn chương bị chi phối bởi tư tưởng sai lệch. Đừng bao giờ để con chữ trở thành công cụ để bôi nhọ lịch sử, chia rẽ dân tộc, xóa nhòa ranh giới giữa chính nghĩa và phi nghĩa.
Lịch sử dân tộc Việt Nam, nhất là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là biểu tượng rực rỡ của lòng quả cảm, tinh thần đại đoàn kết và khát vọng độc lập, tự do. Văn học trong thời kỳ này không chỉ đồng hành với chiến trường mà còn là ngọn lửa truyền cảm hứng, là lời hiệu triệu thiêng liêng đánh thức lòng yêu nước, cổ vũ ý chí chiến đấu của cả một thế hệ. Đó là nền văn học mang tính sử thi – vừa phản ánh hiện thực bi hùng, vừa khắc họa vẻ đẹp tinh thần của con người Việt Nam trong khói lửa chiến tranh.
Trả lờiXóaThế nhưng, thật đáng tiếc khi hiện nay lại có những người cố tình sử dụng chiêu bài “phản tỉnh”, “phê phán xã hội” để xuyên tạc bản chất của cuộc kháng chiến chính nghĩa, phủ định vai trò và thành quả của văn học cách mạng. Họ bóp méo sự thật, tuyệt đối hóa những góc khuất cá nhân để đánh đồng toàn bộ nền văn học kháng chiến như một sản phẩm “áp đặt”, “tuyên truyền”, rồi tự nhận mình là “thức tỉnh” để “phát ngôn cho sự thật”. Đó là sự ngụy biện nguy hiểm.
Văn học chân chính là văn học vì con người, vì dân tộc – chứ không phục vụ cho bất kỳ thế lực chính trị, tư tưởng phản động nào. Những người đã từng xông pha trận mạc, những cây bút từng ăn ngủ, sống chết cùng nhân dân và chiến sĩ nơi tuyến lửa mới là những người có tư cách nhất để viết về chiến tranh. Họ không viết vì huy chương, danh tiếng hay tiền tài – họ viết để lưu giữ ký ức, để nhắc nhở hậu thế rằng tự do hôm nay phải được đánh đổi bằng mồ hôi, máu và nước mắt.
Thế hệ hôm nay cần tiếp tục đọc, học, suy ngẫm và khai thác chiều sâu nhân văn, lịch sử trong dòng văn học cách mạng. Không phải để thần thánh hóa quá khứ, mà để hiểu đúng và sống có trách nhiệm hơn với hiện tại. Bởi nếu lãng quên và xuyên tạc lịch sử, thì chúng ta đang tiếp tay cho những âm mưu làm suy yếu tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước – những giá trị cốt lõi đã giúp dân tộc này vượt qua bao biến cố để tồn tại và phát triển.