Thứ hai, 05/05/2025 - 05:31
Trong bối cảnh Liên bang Nga cùng với một số quốc gia đang chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, một số thế lực cơ hội chính trị lại đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc vai trò có ý nghĩa quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến vô cùng khốc liệt và anh dũng để đánh bại chủ nghĩa phát xít, thậm chí, họ đưa ra cáo buộc vô căn cứ rằng “Liên Xô hợp tác với Đức quốc xã để gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai”. Các luận điệu xuyên tạc đó đi ngược lại với sự thật lịch sử...
Đáng chú ý, có một số trang truyền thông, mạng xã hội đưa ra những nhận định không phản ánh đúng lịch sử, cho rằng từ năm 1922, nước Nga Xô viết đóng vai trò giúp Đức quốc xã phát triển tiềm lực quân sự.
Họ lập luận rằng, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nước Đức bị cấm phát triển vũ khí hạng nặng. Vì thế, Berlin đã khéo léo lách luật này thông qua sự hợp tác bất hợp pháp với nước Nga Xô viết trên cơ sở Hiệp ước Rapallo được ký vào ngày 16-4-1922 để nhanh chóng củng cố tiềm lực quân sự nhằm chuẩn bị phát động Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu.
![]() |
Thông tin trên những trang truyền thông và mạng xã hội này đã xuyên tạc nội dung của Hiệp ước Rapallo giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga và Cộng hòa Weimar-tên gọi của nước Đức vào thời điểm đó. Hiệp ước này bao gồm 6 điều khoản với nội dung chỉ nhằm giải quyết hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất như xử lý vấn đề tù binh của hai nước sau chiến tranh, việc nước Đức phải bồi thường chiến tranh theo Hiệp ước hòa bình Versailles, thiết lập quan hệ ngoại giao trong bối cảnh nước Nga Xô viết bị Mỹ và phương Tây cô lập sau cuộc Cách mạng Tháng Mười (ngày 7-11-1917), thiết lập quan hệ thương mại, tạo điều kiện sống bình thường cho công dân hai nước trên lãnh thổ của mỗi bên.
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), Nga và Đức đứng trên hai chiến tuyến khác nhau. Trong cuộc chiến này, nước Đức bại trận và phải ký kết Hiệp ước hòa bình Versailles vào năm 1919. Theo đó, nước Đức phải bồi thường chiến tranh cho các quốc gia thắng cuộc như Mỹ, Anh, Pháp... Vì thế, chính quyền Đức coi Hiệp ước hòa bình Versailles là “nỗi quốc nhục” và phải “rửa hận”. Để “rửa hận”, Đức quốc xã sau khi lên cầm quyền từ năm 1933 đã ráo riết chuẩn bị mọi điều kiện để phát động cuộc đại chiến mới ở châu Âu.
Sau Cách mạng Tháng Mười, giới lãnh đạo nước Nga Xô viết cũng nhận thấy rất rõ Hiệp ước hòa bình Versailles chỉ là “khoảng lặng” giữa hai cuộc đại chiến. Do đó, sau khi được thành lập vào năm 1922, Liên Xô quyết định thực hiện chương trình công nghiệp hóa để chuẩn bị đối phó với cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai tất yếu sẽ bùng nổ ở châu Âu. Chương trình công nghiệp hóa của Liên Xô hoàn tất vào năm 1937, tạo điều kiện để Liên Xô tiến hành thành công cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đánh bại chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1941-1945). Vì vậy, tuyệt nhiên không thể có chuyện nước Nga Xô viết tạo điều kiện cho nước Đức nhanh chóng xây dựng lại tiềm lực quân sự để chuẩn bị phát động Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngay trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, lãnh đạo một số nước châu Âu còn căn cứ vào Hiệp ước không tấn công lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức Quốc xã ký ngày 23-8-1939 để lập luận rằng chính hiệp ước này đã châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ hai!? Thậm chí, dựa vào hiệp ước này, có tổ chức còn coi Liên Xô và Đức quốc xã đều “có tội như nhau” là gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai!?...
Lập luận này đã xuyên tạc bản chất và nội dung của Hiệp ước không tấn công lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức quốc xã. Hiệp ước này xác định Liên Xô và Đức cam kết kiềm chế không tấn công lẫn nhau, giữ thái độ trung lập trong trường hợp một trong hai bên trở thành mục tiêu của những hành động quân sự của bất kỳ bên thứ ba nào, đồng thời cam kết không tham gia các lực lượng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại phía bên kia. Giới lãnh đạo Liên Xô biết rõ rằng, ký hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Đức quốc xã không thể ngăn chặn được Chiến tranh thế giới thứ hai mà chỉ để làm chậm lại thời điểm Đức quốc xã tập trung lực lượng của toàn châu Âu để tấn công Liên Xô nhằm chuẩn bị đối phó.
Nhận định của giới lãnh đạo Liên Xô căn cứ vào một sự thật lịch sử khác. Đó là rất lâu trước khi Liên Xô ký với Đức hiệp ước không tấn công lẫn nhau, nhiều nước châu Âu cũng từng ký hiệp ước tương tự với Đức quốc xã...
Đúng như dự báo của giới lãnh đạo Liên Xô, sau khi phát động Chiến tranh thế giới thứ hai vào ngày 1-9-1939, Đức quốc xã đã ký hiệp ước liên minh với nhiều nước châu Âu để chuẩn bị chiến dịch tấn công Liên Xô. Sau khi đã tập hợp được lực lượng của gần toàn bộ châu Âu, ngày 18-12-1940, Hitler phê chuẩn Kế hoạch Barbarossa để bất ngờ tấn công Liên Xô vào ngày 22-6-1941.
Chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai còn đi ngược lại sự thật lịch sử là Đức đã tập hợp lực lượng từ nhiều nước đầu hàng để tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô. Vì vậy, Liên Xô đóng vai trò chủ yếu trong Chiến tranh thế giới thứ hai là đánh bại lực lượng liên quân của Đức quốc xã.
Trong cuộc đại chiến này, Liên Xô đã đánh bại 507 sư đoàn Đức quốc xã và 100 sư đoàn đồng minh của chúng; tiêu diệt của Đức quốc xã hơn 70.000 máy bay (chiếm khoảng 70% tổng số máy bay bị phá hủy), khoảng 50.000 xe tăng và vũ khí tấn công (75%), 167.000 khẩu pháo (74%), hơn 2.500 tàu chiến và tàu bảo đảm.
Sau khi đánh bại phát xít Đức ở châu Âu, Liên Xô tiến hành chiến dịch đánh bại đạo quân Quan Đông mạnh nhất của Nhật Bản, đóng vai trò quyết định, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Liên Xô đã phải nỗ lực phi thường để giành được chiến thắng vĩ đại này nhưng cũng phải chịu thiệt hại vô cùng to lớn. Nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá, hơn 27 triệu công dân Xô viết đã thiệt mạng...
Sau 80 năm, dù bị nhiều luận điệu xuyên tạc, với âm mưu hòng làm thay đổi bản chất cuộc chiến nhưng chiến thắng vĩ đại của nhân dân Xô viết vẫn được loài người tiến bộ ghi nhận, tôn vinh. Theo ghi nhận, nguyên thủ hoặc đại diện của hơn 20 quốc gia đã nhận lời mời tham dự lễ kỷ niệm và cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow vào Ngày Chiến thắng 9-5 năm nay. Ngoài ra, một số quốc gia còn cử lực lượng tham dự cuộc duyệt binh mừng chiến thắng này. Ở châu Âu, bất chấp nhiều áp lực, ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ và một số cá nhân vẫn tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9-5...
Chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại không chỉ góp phần quyết định đánh bại chủ nghĩa phát xít và quân phiệt mà còn tạo điều kiện cho nhiều nước giành được quyền độc lập, trong đó có Việt Nam. Hơn lúc nào hết, loài người tiến bộ cần tiếp tục ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc vai trò có ý nghĩa quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa phát xít. Đây là hành động thiết thực bảo vệ các giá trị chân chính của lịch sử, của lương tri, đồng thời nhằm ngăn chặn sự phục hồi chủ nghĩa phát xít.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại không chỉ là niềm tự hào riêng của nhân dân Liên Xô, mà còn là biểu tượng bất diệt của tinh thần quật cường, ý chí sắt đá và sự hy sinh không gì có thể sánh được của hàng triệu con người vì hòa bình nhân loại. Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới kỷ niệm 80 năm ngày chiến thắng ấy, thật đáng tiếc khi vẫn tồn tại những thế lực cố tình xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật nhằm phủ nhận vai trò quyết định của Liên Xô trong việc đánh bại chủ nghĩa phát xít – một trong những thế lực tàn ác nhất từng tồn tại trong lịch sử loài người.
Trả lờiXóaNhững luận điệu sai trái cho rằng Liên Xô "hợp tác với Đức quốc xã" hoặc "tiếp tay" để phát động Thế chiến thứ hai không chỉ sai lầm mà còn phản nhân văn, phản lịch sử. Những kẻ phát ngôn như vậy rõ ràng đã nhắm mắt trước sự thật: chính Liên Xô, bằng cái giá hơn 27 triệu sinh mạng, đã dập tắt ngọn lửa chiến tranh trên chiến trường châu Âu, mở đầu cho một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phi phát xít và hòa bình tương đối. Từ chiến dịch Stalingrad đến trận Berlin, từ pháo đài Brest đến chiến dịch tiêu diệt đạo quân Quan Đông – mỗi trang sử ấy thấm đẫm máu và nước mắt của nhân dân Xô viết, là những minh chứng không thể chối cãi cho vai trò tối quan trọng của Liên Xô trong việc cứu nhân loại khỏi diệt vong.
Việc cố tình cắt khúc, diễn giải lệch lạc về Hiệp ước Rapallo hay Hiệp định không xâm lược 1939 là hành vi nguy hiểm, nhằm phục vụ cho những mưu đồ chính trị ngày nay – nơi lịch sử bị biến thành công cụ để thao túng nhận thức. Đáng nói hơn, những hành động ấy cũng chính là sự tiếp tay cho sự hồi sinh ngầm của chủ nghĩa phát xít mới, điều mà cả nhân loại tiến bộ phải cùng nhau lên án và đẩy lùi. Ghi nhớ và tôn vinh chiến thắng của nhân dân Liên Xô không chỉ là thể hiện lòng biết ơn lịch sử, mà còn là trách nhiệm đạo đức để bảo vệ những giá trị phổ quát của nhân loại: hòa bình, công lý và sự thật.
Khi những trang sử vẻ vang bị phủ bụi bởi những luận điệu xuyên tạc, bóp méo và bẻ cong, thì việc khẳng định lại sự thật trở thành nghĩa vụ không chỉ của giới sử học mà còn là của tất cả những ai còn trân quý hòa bình và công lý. Trong bối cảnh nhiều thế lực cơ hội chính trị đang tiến hành một chiến dịch quy mô nhằm làm lu mờ vai trò của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, bài viết đã đưa ra những lập luận sắc bén, đanh thép, bóc trần các ngụy biện nguy hiểm đang gieo rắc trên không gian mạng và trong dư luận quốc tế.
Trả lờiXóaThật trớ trêu khi chính những quốc gia từng ký kết các thỏa thuận với Đức quốc xã lại quay sang chỉ trích Hiệp ước không tấn công lẫn nhau Liên Xô–Đức năm 1939. Họ quên rằng trước Liên Xô, Anh và Pháp cũng từng ký hiệp định với Hitler trong nỗ lực “xoa dịu” con quái vật phát xít. Vậy mà khi Liên Xô thực hiện một động thái chiến lược nhằm trì hoãn chiến tranh – điều mà sau này chính họ phải thừa nhận là cần thiết – thì lại bị quy chụp là “đồng lõa với phát xít”! Đây rõ ràng là hành động đảo ngược trắng–đen, một nỗ lực nguy hiểm nhằm viết lại lịch sử theo ý đồ chính trị hiện tại.
Hơn 27 triệu sinh mạng Xô viết đã ngã xuống – đó không phải là con số, mà là lời cảnh tỉnh muôn đời về cái giá của sự thật, lòng dũng cảm và sự hy sinh. Nếu không có chiến thắng ở Stalingrad, nếu không có chiến dịch Bagration, nếu không có cuộc tiến công Berlin tháng 5-1945, liệu thế giới này có còn tồn tại nền hòa bình tương đối như hiện nay? Việc phủ nhận vai trò của Liên Xô chẳng khác gì chối bỏ vai trò của sự sống trước bóng tối hủy diệt. Và điều quan trọng hơn, chính vì những lời nói dối ấy mà chúng ta càng phải kiên quyết gìn giữ sự thật – bởi sự thật lịch sử là cội nguồn của trí tuệ, bản lĩnh và lương tri.
Kỷ niệm 80 năm chiến thắng chủ nghĩa phát xít không chỉ là một cột mốc lịch sử thiêng liêng, mà còn là lời nhắc nhở toàn nhân loại về sức mạnh của chính nghĩa, về tinh thần kiên cường bất khuất của những con người đã cống hiến cả máu xương để gìn giữ nền hòa bình hôm nay. Trong khung cảnh tưởng niệm đó, việc một số thế lực tìm cách bóp méo lịch sử, hạ thấp vai trò của Liên Xô – quốc gia gánh vác phần lớn gánh nặng và tổn thất trong Thế chiến II – là hành động không chỉ phản lịch sử mà còn vô đạo đức.
Trả lờiXóaNhững luận điệu cho rằng Liên Xô từng “tiếp tay cho Đức quốc xã” để khơi mào chiến tranh, hay cố tình diễn giải sai bản chất của Hiệp ước Rapallo và Hiệp định không xâm lược năm 1939, đều là sự xảo trá của những thế lực muốn viết lại lịch sử theo ý mình. Sự thật là: chính Liên Xô đã phải đứng một mình chống lại toàn bộ lực lượng phát xít do Hitler cầm đầu, khi phương Tây vẫn còn lưỡng lự, khi nhiều quốc gia còn chọn thái độ thỏa hiệp. Và chính Liên Xô là quốc gia góp phần lớn nhất tiêu diệt đội quân xâm lược, giải phóng hàng trăm triệu con người khỏi ách thống trị phát xít, góp phần kết thúc một trong những chương đen tối nhất của lịch sử loài người.
Thực tế chiến trường là minh chứng rõ rệt nhất: 507 sư đoàn Đức bị đánh bại, 70.000 máy bay, 50.000 xe tăng, hàng trăm nghìn khẩu pháo và tàu chiến bị tiêu diệt – phần lớn là bởi Quân đội Liên Xô. Không chỉ dừng lại ở châu Âu, chiến công ấy còn mở rộng đến châu Á khi Hồng quân Liên Xô tiêu diệt đạo quân Quan Đông khét tiếng của Nhật Bản, góp phần buộc phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện. Đó là công lao không thể bị lãng quên.
Và Việt Nam – một đất nước từng được hưởng lợi từ làn sóng cách mạng và phong trào chống phát xít toàn cầu – càng cần phải khẳng định lại sự thật lịch sử ấy. Nhân loại cần lên án mạnh mẽ mọi hành vi xuyên tạc, mọi ý đồ hồi sinh chủ nghĩa phát xít dưới bất kỳ hình thức nào. Chiến thắng 80 năm trước là kết tinh của máu xương, của khát vọng công lý, và là cột mốc thiêng liêng cần được gìn giữ như một phần di sản quý giá nhất của nhân loại. Bảo vệ sự thật về vai trò quyết định của Liên Xô trong cuộc chiến ấy chính là góp phần gìn giữ hòa bình, chống lại bóng ma của chủ nghĩa phát xít đang tìm cách quay trở lại trong lớp áo ngụy trang mới.