Minh chứng phản bác luận điệu xuyên tạc về kiều bào ta ở nước ngoài trong dịp đại lễ 30/4

Thứ Bảy, 26/04/2025, 08:30

Đại thắng mùa Xuân 1975 đã để lại nhiều bài học quý báu về ý Đảng gắn với lòng dân, về việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Góp phần làm nên mùa Xuân đại thắng đó có vai trò quan trọng của đồng bào ta ở nước ngoài.

Những âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên đưa ra những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài; kích động chống phá, gây chia rẽ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc.

Không khó nhận diện những luận điệu mà các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong đưa ra nhằm mục đích xuyên tạc quan điểm, chủ trương, chính sách về người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta; phủ nhận những nỗ lực trong việc phát huy vai trò, củng cố sức mạnh, tiềm năng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước; gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ở trong nước và ngoài nước. Để thực hiện âm mưu của mình, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối ở trong nước thường sử dụng nhiều thủ đoạn thông qua các trang web, tài khoản Facebook, YouTube, Twitter, TikTok, Zalo… tuyên truyền bịa đặt, bôi nhọ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với những luận điệu xuyên tạc như: Nhà nước không giúp gì, chỉ tìm cách khai thác nhân tài, vật lực của người Việt hải ngoại; việc thành lập các hội, đoàn trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cách cho thấy “Đảng Cộng sản Việt Nam đang tham vọng định hướng chính trị”; “cộng sản xâm nhập, phá hoại và lũng đoạn các cộng đồng, các hội đoàn, các cơ sở thương mại, trường học của người Việt tại hải ngoại”… Bên cạnh đó, chúng tiếp tục tuyên truyền, xuyên tạc ý nghĩa, bản chất cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Việt Nam, đưa ra những luận điệu kích động đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như cổ súy ngày 30/4/1975 là “ngày quốc hận”; rêu rao việc Việt Nam tổ chức đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là “tốn kém, lãng phí, phản cảm”; đưa ra các bài viết, phỏng vấn để “khuyên” Việt Nam coi ngày đại thắng của dân tộc “không nên nói về người thắng, kẻ thua”. Lợi dụng việc Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, các thế lực phản động và cơ hội chính trị lu loa rằng, việc Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ là “không cần thiết” hoặc “hoàn toàn vô nghĩa”!

Những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong và một số đối tượng chống đối ở trong nước tuy không mới nhưng việc lặp đi lặp lại sẽ tạo ra những hệ lụy xấu, không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của đất nước trên trường quốc tế mà còn có thể xâm hại đến an ninh quốc gia. Đồng thời, các thế lực xấu không ngừng bôi nhọ, mỉa mai nhằm làm giảm niềm tin từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài đối với Đảng, Nhà nước, từ đó hòng gây cản trở, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các đối tượng tung ra những luận điệu nhằm kích động tư tưởng chống phá, hoài nghi với chế độ như miệt thị rằng, đất nước tự hào với giải phóng, thống nhất đất nước sao hàng triệu người “bỏ ra nước ngoài”, xuyên tạc chính sách xuất khẩu lao động, vu cáo việc người Việt Nam ra nước ngoài lao động, học tập là “không chịu nổi hoàn cảnh ở trong nước”, “giải phóng cũng như không”… Xuyên tạc Đảng, Nhà nước “bỏ rơi”, “khinh rẻ” người Việt ở nước ngoài, chỉ “muốn lấy tiền của kiều bào chứ không coi trọng gì”…

Cùng gắn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt. Người luôn coi kiều bào là một phần “máu thịt của quê hương”, “là nguồn nước tươi mát trong mạch nguồn phát triển đất nước”. Do vậy, quan tâm và phát huy nguồn lực của kiều bào trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng cho Đảng ta đề ra những nghị quyết, chính sách quan trọng về người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn hiện nay. Ngay từ khi cách mạng Việt Nam còn trong “trứng nước”, khi Bác Hồ và những người đồng chí của mình vẫn đang miệt mài tìm lối đi cho hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước thì cộng đồng người Việt tại nhiều nơi, dù còn non trẻ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, địa vị pháp lý bấp bênh nhưng kiều bào đã không quản nguy hiểm, vất vả, đùm bọc, chở che Người và các vị lãnh đạo của Đảng.

Trong những năm tháng cả dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm, kiều bào đã có nhiều hoạt động ủng hộ tài chính, vật chất thông qua các đợt quyên góp lớn, gửi về nước bằng nhiều con đường, cả công khai và bí mật với số lượng lớn tiền và vàng, nhiều loại thuốc men, dụng cụ y tế, quần áo và lương thực, thiết bị phục vụ cho các bệnh viện dã chiến và chiến trường, máy móc và thiết bị kỹ thuật phục vụ sản xuất và chiến đấu. Nhiều thành viên của phong trào sinh viên phản chiến đã trở thành nòng cốt của phong trào Việt kiều yêu nước sau này ở Mỹ, Pháp, Bỉ, Canada... có quan hệ chặt chẽ với cuộc kháng chiến ở trong nước. Các tổ chức người Việt ở một số nước láng giềng tham gia vào các hoạt động nuôi giấu cán bộ, ủng hộ kinh tài, cho con em về tham gia chiến đấu. Kiều bào ta tại Pháp đã hỗ trợ cho phái đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị Paris về tinh thần, vật chất và nhân lực... Không chỉ đóng góp từ xa, nhiều kiều bào đã trở về Tổ quốc để trực tiếp góp sức mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngày 10/1/1960, chuyến tàu đầu tiên đưa kiều bào tại Thái Lan về nước đã được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tại Hải Phòng. Nhiều kỹ sư, bác sĩ, chuyên gia, trí thức từ các nước đã tình nguyện trở về nước tham gia xây dựng hậu phương miền Bắc, trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường, làm tại các bệnh viện dã chiến, hỗ trợ điều trị thương binh, bệnh binh hoặc làm phiên dịch, công tác địch vận…

Từ sau năm 1975, rất nhiều kiều bào tham gia vào công cuộc khôi phục, xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời chống bao vây cấm vận và âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch từ bên ngoài. Các hội Việt kiều yêu nước tại nhiều nước phát triển mạnh thu hút đông đảo kiều bào tham gia. Nhiều trí thức Việt kiều đã về nước trao đổi, giảng dạy, giới thiệu công nghệ mới. Nguồn kiều hối, hàng hoá do kiều bào gửi về đã góp phần giảm bớt những khó khăn trong nước…

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam phát triển nhanh chóng, hiện có khoảng 6 triệu người đang định cư, làm ăn sinh sống, học tập tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, có nhiều đóng góp thiết thực cho quốc gia sở tại cũng như góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Để có được những kết quả trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài như ngày hôm nay, trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quan tâm, chú trọng, xây dựng hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật, huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng với bộ máy chuyên trách triển khai đồng bộ, toàn diện công tác đối với người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Với hơn 500.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao, kiều bào tích cực tham gia hiến kế cho Ðảng, Nhà nước trong nhiều vấn đề quan trọng.

Đảng và Nhà nước ta luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Công tác vận động đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn được xác định là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong hệ thống công tác dân vận của Đảng và Nhà nước phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Trong các chuyến thăm và làm việc tại nước ngoài, lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước ta rất quan tâm, dành thời gian trực tiếp thăm hỏi và động viên cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại đây. Nhiều hoạt động kết nối kiều bào với quê hương được tổ chức ngay sau khi quốc tế mở cửa trở lại như chương trình Xuân Quê hương, Giỗ Tổ Hùng Vương, thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè Việt Nam… Nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể chế hóa thông qua các chính sách pháp luật trong nhiều lĩnh vực như quốc tịch, xuất cảnh, nhập cảnh, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, lao động... Các cơ quan chuyên trách về công tác người Việt ở nước ngoài luôn tích cực hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập với xã hội nước sở tại; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc, hướng về Tổ quốc.

Những đóng góp to lớn, không tiếc máu xương, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống đủ đầy ở nước ngoài để về đồng cam cộng khổ với đồng bào ở trong nước trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây là minh chứng rõ nét cho lòng yêu nước nồng nàn của kiều bào. Trong giai đoạn hiện nay, kiều bào đều mong muốn đóng góp xây dựng quê hương Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây chính là mẫu số chung, là điểm đồng để tập hợp, quy tụ, đoàn kết kiều bào, phát huy nguồn lực to lớn của bà con đối với sự phát triển của đất nước. Tại buổi họp báo các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra sáng 18/4/2025, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, khối diễu hành sẽ có sự góp mặt của 120 kiều bào tiêu biểu. Đây là những kiều bào có nhiều đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cùng nhiều gương mặt trẻ là trí thức, doanh nhân, nghệ sĩ ở nước ngoài. Những ngày qua, bất chấp thời tiết nắng nóng, kiều bào cùng các khối tham gia diễu binh, diễu hành tích cực tập luyện, sơ duyệt và tổng duyệt chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm tới đây tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là dịp để những người con xa xứ trở về, được hòa mình vào dòng chảy của dân tộc.

Dù sống ở nước ngoài nhưng trái tim, khối óc và dòng máu Lạc Hồng của người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó và hướng về quê hương, thật sự trở thành một bộ phận không tách rời và một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của đất nước. Các doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài sẵn sàng, khao khát trở về đầu tư làm giàu và xây dựng quê hương, đất nước, góp phần làm gắn kết hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực xấu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Bình Nguyên - Hạnh Nguyễn 

    3 nhận xét:

    1. Bài viết đã thể hiện rất rõ sự thật lịch sử và tính đúng đắn, nhân văn sâu sắc trong đường lối của Đảng, Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong suốt chiều dài kháng chiến cũng như công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, kiều bào ta luôn là một phần máu thịt, một nguồn lực quý báu, không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ không chỉ góp phần bằng trí tuệ, tài chính, vật chất mà còn góp phần bằng chính niềm tin son sắt, lòng yêu nước bền bỉ và khát vọng vì một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng.

      Điều khiến chúng ta không thể xem nhẹ, đó là âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc mà các thế lực thù địch, phản động vẫn luôn ráo riết thực hiện. Bằng các thủ đoạn tinh vi, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ chính sách, chúng tìm cách gieo rắc sự hoài nghi, kích động lòng hận thù trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhằm tạo ra rạn nứt trong mối quan hệ thiêng liêng giữa đồng bào trong nước và kiều bào hải ngoại. Đặc biệt, chúng triệt để lợi dụng các thời điểm kỷ niệm những mốc son lịch sử như ngày 30/4 – ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước – để cổ súy những luận điệu phản động, như "ngày quốc hận", hay phủ nhận ý nghĩa thiêng liêng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

      Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh: trái ngược với những luận điệu xuyên tạc, kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới vẫn không ngừng đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước. Họ là những doanh nhân, trí thức, chuyên gia đang tích cực đầu tư, truyền bá công nghệ, phát triển giáo dục, làm cầu nối ngoại giao – kinh tế – văn hóa giữa Việt Nam với quốc tế. Những hình ảnh kiều bào tập luyện dưới nắng gắt để chuẩn bị diễu hành mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc luôn chảy mãnh liệt trong mỗi con tim Việt Nam, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

      Việc các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, chia rẽ chỉ càng làm nổi bật hơn vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chính sách nhân văn của Nhà nước ta, và càng cho thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ khi cả dân tộc đồng lòng – không phân biệt trong nước hay ngoài nước – thì sức mạnh Việt Nam mới có thể được phát huy trọn vẹn, để vững vàng trên con đường phát triển, hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

      Trả lờiXóa
    2. Không ai có thể phủ nhận rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Từ những ngày đầu cách mạng, cho đến các giai đoạn kháng chiến và xây dựng đất nước, kiều bào ta luôn đồng hành, chia sẻ gian khó, đóng góp cả trí tuệ, vật chất và tinh thần cho quê hương. Điều đó không chỉ thể hiện bằng những con số kiều hối, hay các chuyến bay trở về cống hiến, mà còn được chứng minh qua lòng trung thành son sắt, qua những thế hệ người Việt dù sinh ra ở nước ngoài vẫn tự hào gìn giữ tiếng Việt, văn hóa Việt, truyền thống yêu nước và hướng về cội nguồn.

      Tuy nhiên, các thế lực phản động, với mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã không ngừng gieo rắc những luận điệu thù địch, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta với kiều bào. Chúng tìm mọi cách thổi phồng, bóp méo thực tế để tạo sự chia rẽ, làm suy giảm lòng tin của kiều bào với quê hương, đồng thời cổ súy cho các quan điểm sai lệch, chống đối. Những luận điệu như “chính quyền chỉ cần tiền kiều hối chứ không cần con người”, hay “Đảng chỉ biết khai thác kiều bào” là những chiêu trò cũ kỹ, lạc lõng giữa thời đại hội nhập ngày nay.

      Sự thật là, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng luôn nhất quán và có tính kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đồng bào ở xa Tổ quốc luôn là máu thịt không thể thiếu trong lòng dân tộc.” Ngày nay, không ít kiều bào đã trở thành các nhà khoa học, nghệ sĩ, doanh nhân danh tiếng, không những góp phần xây dựng nước sở tại mà còn quay về đóng góp cho quê hương. Việc hàng trăm kiều bào tham gia lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam vừa qua là minh chứng sống động cho mối liên kết bền chặt giữa “người đi xa” và Tổ quốc.

      Giữ gìn, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc không chỉ là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, mà còn là trách nhiệm chung của mỗi người dân Việt Nam, trong và ngoài nước. Hãy tỉnh táo, sáng suốt nhận diện và kiên quyết bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ mai sau.

      Trả lờiXóa
    3. Bài viết là lời nhắc đầy sâu sắc về một trong những chân lý lớn nhất trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam: “Muốn vững bền, phải đoàn kết.” Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là chìa khóa dẫn đến mọi thắng lợi của dân tộc ta trong thế kỷ XX, từ Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong đó, vai trò của cộng đồng người Việt ở nước ngoài – những người con xa quê nhưng luôn một lòng hướng về Tổ quốc – là không thể thiếu và cần được ghi nhận bằng cả tình cảm và hành động cụ thể.

      Thật đáng trân trọng khi trong thời điểm cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng trăm kiều bào từ nhiều quốc gia đã trở về tham gia diễu binh, diễu hành – không chỉ bằng sự hiện diện, mà bằng cả lòng tự hào, xúc động và niềm tin vào con đường mà dân tộc đã lựa chọn. Điều đó đã cho thấy sức sống mạnh mẽ và sức lan tỏa to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc trong thời đại mới.

      Nhưng bên cạnh đó, không thể xem nhẹ những âm mưu phá hoại từ các thế lực thù địch, phản động – những kẻ đã và đang lợi dụng không gian mạng, thông tin đa chiều để tung ra các luận điệu xuyên tạc, nhằm chia rẽ cộng đồng người Việt ở nước ngoài với Tổ quốc. Họ dùng những lời lẽ độc hại để hạ thấp ý nghĩa ngày 30/4 lịch sử, xuyên tạc các chính sách đối với kiều bào, bóp méo sự thật về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là những hành vi đi ngược lại với lợi ích dân tộc, cần bị lên án và phản bác một cách mạnh mẽ, có cơ sở.

      Chính trong bối cảnh ấy, việc Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tiếp tục quan tâm sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kiều bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, có môi trường thuận lợi để phát huy tài năng và lòng yêu nước là điều hết sức cần thiết. Những cuộc gặp gỡ, các chính sách pháp luật thuận lợi, những chuyến tàu nghĩa tình, các chương trình như "Xuân Quê hương", "Trại hè Việt Nam", "Thăm Trường Sa"... không chỉ là biểu tượng kết nối mà còn là hành động cụ thể thể hiện sự gắn bó bền chặt giữa quê hương và kiều bào.

      Chỉ có đoàn kết – gắn bó máu thịt giữa người Việt ở trong và ngoài nước – mới là thành trì vững chắc bảo vệ độc lập dân tộc và đưa Việt Nam phát triển phồn vinh trong kỷ nguyên hội nhập.

      Trả lờiXóa