08:04 19/10/2015
Nhận diện và tăng cường phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước thềm Đại hội XII của Đảng là yêu cầu quan trọng, cấp bách.
- Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc đã chỉ rõ: “Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng công khai và ngày càng nghiêm trọng hơn”. Đặc biệt, trước thềm Đại hội XII của Đảng, các thế lực thù địch ra sức tận dụng, thúc đẩy với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Vì thế, nhận diện và tăng cường phòng, chống nó là yêu cầu quan trọng, cấp bách.
Thứ nhất,lợi dụng tham gia ý kiến vào các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng để tuyên truyền các quan điểm trái với đường lối, nguyên tắc của Đảng. Họ lợi dụng việc “góp ý” với Đảng để khoét sâu vào các yếu kém của bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, quản lý xã hội; những vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cùng sự tham nhũng, tiêu cực của một số cán bộ, đảng viên, hòng hạ thấp uy tín, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; từ đó, kêu gọi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… Đây là vấn đề không mới nhưng rất nguy hiểm bởi nó gieo rắc sự hoài nghi của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân ngay trước thềm Đại hội XII của Đảng.
Thứ hai, chúng tập trung công kích vào chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta thông qua các hình thức, như: thư ngỏ, kiến nghị tập thể, blog cá nhân hay các trang mạng,… nhằm hướng xã hội đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Theo đó, các thế lực chống đối, lực lượng thoái hóa, biến chất về chính trị - tư tưởng đã cố tình lờ đi những giá trị tích cực, tiến bộ có tính nền tảng của chủ nghĩa xã hội, nhưng lại khoét sâu, thổi phồng những yếu kém, khuyết tật của nó. Họ thường rêu rao: chủ nghĩa xã hội đã hết thời, không còn phù hợp nữa, rằng Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội là một sai lầm lịch sử nghiêm trọng, cần phải sửa chữa, gột rửa… Thực tế, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới đang có những khó khăn nhất định, nhưng xu hướng phát triển là tất yếu. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta cũng vậy, còn nhiều chông gai, thử thách, thậm chí còn có những khiếm khuyết trong thời kỳ quá độ. Song, những giá trị của chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại là tốt đẹp, không thể phủ nhận và đó là con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Một số người là cán bộ, đảng viên từng được chế độ xã hội chủ nghĩa nuôi dưỡng, chở che thì nay, trước khó khăn và cám dỗ vật chất đã không đủ dũng khí vượt qua, không nghiên cứu để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra mà trở cờ, phản bác lại chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, Đại hội Đảng là dịp để kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo của từng cấp ủy, tổ chức Đảng sau một nhiệm kỳ đã qua, từ đó rút kinh nghiệm, đề ra phương hướng lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới; đồng thời, sàng lọc, bố trí nhân sự, lựa chọn những cán bộ, đảng viên ưu tú để đưa vào cấp ủy khóa mới. Vì thế, đây cũng là dịp để những phần tử cơ hội chính trị phá hoại nội bộ các tổ chức Đảng, nhà nước. Trong thời gian chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới, chúng thường tung ra những luận điệu vu cáo giật gân để làm giảm uy tín, hạ bệ những cán bộ trung kiên, có phẩm chất, năng lực của Đảng. Thậm chí, chúng còn xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ, phủ nhận công lao, nhằm hạ uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, cần được tăng cường với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong số đó, cần tập trung vào một số nội dung như nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trọng tâm là xây dựng các tổ chức Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; thực sự trong sạch, vững mạnh và gắn bó mật thiết với nhân dân. Đồng thời, coi trọng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nhất là giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu lý tưởng của Đảng. Đây là vấn đề rất quan trọng, cần làm thường xuyên, nghiêm túc, có hiệu quả, kiên quyết khắc phục bệnh hình thức, coi nhẹ hoặc đề cao tính thực dụng, các lợi ích kinh tế.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, trong đó, tập trung làm rõ các vấn đề phát triển mới về Đảng cầm quyền; những nội dung cốt lõi của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Qua đó, góp phần giải quyết những vấn đề mới đặt ra và làm sáng rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng thời, làm cơ sở để đấu tranh, phản bác có hiệu quả những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch… Coi trọng nâng cao chất lượng công tác cán bộ, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, công tâm, khách quan từ khâu tạo nguồn, bồi dưỡng, đánh giá… đến sử dụng cán bộ, trong đó chú trọng khâu lựa chọn, sắp xếp cán bộ có đức, có tài vào các cơ quan chiến lược, người đứng đầu các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước. Tích cực đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, như: chạy chức, chạy quyền, cục bộ địa phương, dòng họ, kiên quyết thanh lọc những cán bộ kém đức, kém tài, thấy sai không dám đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ, thậm chí vi phạm pháp luật. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và xã hội theo hướng hiệu lực, hiệu quả, bằng pháp luật, lấy phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực tài chính, đầu tư, chính sách làm khâu đột phá…
PGS, TS Trần Thái Bình
Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc đã chỉ rõ: “Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng công khai và ngày càng nghiêm trọng hơn”. Đặc biệt, trước thềm Đại hội XII của Đảng, các thế lực thù địch ra sức tận dụng, thúc đẩy với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Vì thế, nhận diện và tăng cường phòng, chống nó là yêu cầu quan trọng, cấp bách.
Trả lờiXóaThực tiễn cho thấy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thường có diễn biến phức tạp, trên các lĩnh vực: chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống,… tuy ngấm ngầm nhưng cũng không kém phần quyết liệt, nhất là khi đất nước có các sự kiện chính trị quan trọng, thời điểm nhạy cảm, trong đó, sự kiện Đại hội XII của Đảng tới đây là một trọng điểm.
Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và xã hội theo hướng hiệu lực, hiệu quả, bằng pháp luật, lấy phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực tài chính, đầu tư, chính sách làm khâu đột phá…
Trả lờiXóa