Sử dụng mạng xã hội sai cách, thông tin thế giới ảo thành hệ lụy thật

QĐND - Thứ hai, 14/09/2015 | 7:35 GMT+7
QĐND - Cứ vào dịp trước, trong hoặc sau khi Việt Nam tổ chức hoặc chuẩn bị tổ chức các sự kiện quan trọng của đất nước, hàng loạt những trang web, trang báo, những “câu lạc bộ”, diễn đàn trên các trang mạng xã hội do những nhân vật chống đối, các thế lực thù địch ở nước ngoài lại “rầm rộ” đăng tải thông tin sai trái, bịa đặt, vu khống với mục đích làm giảm giá trị của các sự kiện, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò của quần chúng nhân dân, gây chia rẽ quân đội với công an... Chiêu trò không có gì mới, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi. Người dùng mạng xã hội nếu không tỉnh táo sẽ mắc mưu. Đăng tải thông tin trên thế giới ảo không đúng sẽ nhận lại hệ lụy. Dưới đây là ý kiến phân tích của các chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý cũng như kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội của quân đội nhiều nước trên thế giới.
Mạng xã hội, một thực tế không thể chối bỏ trong xã hội
Ngày nay, mạng xã hội là một thực tế không thể chối bỏ trong xã hội hiện tại. Nó giúp các cá nhân bộc lộ cảm xúc, kết nối, chia sẻ với nhau, với cộng đồng thông qua những ứng dụng của internet. Mạng xã hội là một phương tiện cần thiết, phù hợp nếu mỗi người hiểu biết sử dụng nó đúng cách. Theo sự chia sẻ mới đây của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ-Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương với báo chí: “Trong một xã hội, muốn ổn định và phát triển bền vững, bao giờ cũng có những điều luật, các quy định, quy ước, chế tài. Mọi cá nhân, tổ chức sống trong xã hội ấy thì buộc phải tuân thủ các điều luật, quy định, quy ước”.
Tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội thế nào cho đúng cách, không bị các thế lực thù địch lợi dụng hay nói cách khác, làm thế nào để không vô tình trở thành những cái máy nhân bản những thông tin không có lợi cho đất nước là điều mà mỗi người sử dụng mạng xã hội phải thực sự quan tâm. Gần đây, nhiều người sử dụng mạng xã hội, trong đó có cả một số nhà báo, đã đưa lên trang cá nhân của mình những điều mà khi đọc, khi xem, phần lớn cộng đồng đều phản đối, thậm chí lên án. PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ đã chỉ rõ: Có những người dùng những từ ngữ, xưng hô không phù hợp, kém văn hóa; có người đưa hình ảnh phản cảm, tục tĩu, trái thuần phong mỹ tục; có người nêu ý kiến, quan điểm cực đoan, lạc lõng, gây chia rẽ đoàn kết xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật… Có thể sẽ vẫn tiếp tục có những việc tương tự xảy ra nếu như người dùng facebook không biết tiết chế, điều chỉnh bản thân mình.
Ảnh minh họa.

Chỉ cần nêu ví dụ đơn giản: Có nhà báo, trước chuyến công tác quan trọng, cần sự bí mật mà anh ta đưa hết thông tin, hình ảnh lên facebook thì ảnh hưởng ngay đến kết quả, hiệu quả công việc. Suy cho cùng, cách kết nối, chia sẻ trên mạng xã hội của các cá nhân cũng vẫn là cách ứng xử của mỗi con người.
Thủ đoạn tung hỏa mù trên mạng xã hội
Internet, môi trường tồn tại của mạng xã hội đang xóa nhòa khoảng cách địa lý. Những động thái dù là nhỏ nhất của một quốc gia, thậm chí của một cá nhân, cũng ngay lập tức được cập nhật trên các trang mạng xã hội. Lợi dụng điều này, các tờ báo, trang tin phản động liên tục cập nhật thông tin về những mặt còn tồn tại trong xã hội, “nhào nặn” thông tin với mục đích phá hoại, rồi tung lên các trang mạng xã hội.
Lợi dụng sự phát triển của các trang mạng xã hội, sự cả tin của một số người, tâm lý đám đông của những người sử dụng mạng xã hội, các trang báo, trang tin đã liên tục đổi mới phương thức hoạt động. Dùng mạng xã hội đăng tải bài viết; kết bạn với những người sử dụng mạng xã hội trong nước để đưa thông tin thật giả lẫn lộn, nhằm tạo ra sự nghi hoặc và kích động người sử dụng mạng xã hội là chiêu trò mà các thế lực thù địch sử dụng để đẩy mạnh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam.
Ngay sau buổi Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, trong khi có rất nhiều người chia sẻ những hình ảnh đẹp với những lời bình ý nghĩa về ngày Tết Độc lập thì cũng có không ít tài khoản cá nhân trên trang facebook đã săm soi một cách thái quá hình ảnh của một nữ quân nhân trẻ nhưng đeo quân hàm trung tá. Ngay sau đó, những người có trách nhiệm đã trả lời, giải thích rất rõ ràng trên báo chí. Song, gần như tức thì, nhiều trang báo của nước ngoài, thông qua mạng xã hội, đã suy diễn một cách trắng trợn. Ý đồ của các trang báo này là rất rõ ràng, suy diễn, bóp méo sự thật, gây hoang mang cho người dân, làm mai một lòng tin của người dân.
Chỉ rõ bản chất của các tổ chức, những trang thông tin, những diễn đàn trên mạng khi cố tình xuyên tạc thông tin, tại cuộc tọa đàm “Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng”, do Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội phối hợp tổ chức tháng 7-2015, trong tham luận gửi đến, Tiến sĩ Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, từ khi internet phát triển mạnh ở Việt Nam, các thế lực phản động lợi dụng internet để tán phát những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân các đồng chí lãnh đạo, bôi xấu chế độ, gây mất đoàn kết nội bộ, chia rẽ lòng dân… trong những dịp trọng đại của đất nước như bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, đại hội Đảng... Không ít thông tin trên mạng đã gây hoài nghi, hoang mang trong xã hội, nhất là những người thường xuyên tiếp cận với phương tiện này.
Theo Tiến sĩ Trương Minh Tuấn, với những người có dụng ý và hành động như vậy, có thể gọi chung là tội phạm không gian ảo. Tội phạm không gian ảo là nhóm tội phạm có thể bị xếp vào nhóm những nguy cơ đe dọa an ninh cao với đất nước.
Đánh giá về sự nguy hiểm của những thông tin kiểu “mập mờ đánh lận con đen” của các thế lực thù địch, Thiếu tướng, PGS, TS, NGND Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng cho biết: Tác hại của thông tin sai trái, độc hại là rất lớn; nó không chỉ gây bất lợi cho sự ổn định an ninh chính trị mà còn làm ô nhiễm môi trường thông tin xã hội. Nó tựa như bụi bẩn, khói đen trộn lẫn vào không khí, người đi đường hít thở phải nó, gây ngạt thở, giàn giụa nước mắt và ho sặc sụa hoặc ví như nước sạch bị ô nhiễm tanh hôi của phế thải, làm người dùng sinh bệnh hiểm nghèo, lây nhiễm ung thư.
Có thể thấy rõ, việc “tung” những thông tin sai trái, bóp méo sự thật không chỉ xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, kỷ luật của quân đội, hạ thấp uy tín, danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội mà còn gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự phân tâm trong xã hội, gieo rắc sự hoài nghi, bi quan, chán nản, thất vọng, thậm chí mất phương hướng, mơ hồ về chính trị ở một bộ phận cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Những chiêu trò lừa người tham gia mạng xã hội
Các đối tượng xấu thường sử dụng chiêu trò gì để lừa những người tham gia mạng xã hội? Trước hết, cần nhận diện những trang báo, trang thông tin, những diễn đàn trên mạng xã hội đã và đang hằng ngày liên tục đăng tải những thông tin xấu độc. Theo phân tích của PGS, TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các thế lực và các nhóm phản động, bất mãn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tạo dựng các website cá nhân, lập diễn đàn, lập các trang fanpage để tạo nội dung, chia sẻ và trích dẫn ở khắp nơi trong môi trường truyền thông trên internet.
Để thu hút người truy cập, trong giai đoạn đầu, những nhóm quản trị các trang web, các diễn đàn này đã cố gắng tổng hợp, đăng tải các tin tức từ nguồn báo chí chính thống và các nguồn tin từ nước ngoài theo kiểu có vẻ “khách quan”. Khi đã thu hút một số lượng công chúng truy cập thường xuyên, chúng cài dần các thông tin xấu độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật. Luận điệu phản động, sai trái cũng sẽ tăng dần. Chính vì thế, nhiều người truy cập mạng, đặc biệt là giới trẻ, chỉ đọc báo mạng thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên mạng xã hội, dễ dàng “mắc mưu” của các thế lực thù địch, dễ bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin xấu độc.
PGS, TS Trương Ngọc Nam còn chỉ rõ những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch: Thuê người làm dữ liệu giả (ảnh, video clip, audio hiện trường) để đưa lên mạng xã hội, các diễn đàn. Đây là một thủ đoạn khá thông dụng hiện nay, các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng để xuyên tạc sự thật, cung cấp thông tin sai lệch về các cá nhân v.v.; dùng kỹ thuật và công nghệ để chỉnh sửa dữ liệu cũ, chỉnh sửa hình ảnh, cắt ghép, tạo bằng chứng và thông tin giả; tự bịa ra các bài phỏng vấn nhân vật, sự kiện, bịa đặt các trang hồ sơ liên quan đến các nhân vật nổi tiếng, các nhà lãnh đạo, thân nhân của họ và kích thích trí tò mò của công chúng bằng “thông tin lề trái, thông tin bí mật”.
Cách thức mà các thế lực phản động sử dụng nhiều nhất trong thời gian gần đây là: Kết bạn với những người dùng facebook, chủ yếu là những người có uy tín, các nhà báo, trí thức, những người có ảnh hưởng trong cộng đồng mạng… tìm chọn trích dẫn những câu nói, phát biểu, bình luận của họ về một vấn đề nào đó, sau đó đưa vào bài phân tích và bóp méo, xuyên tạc sự việc theo ý đồ của họ. (Còn nữa)
NGUYỄN HÒA

2 nhận xét:

  1. Cứ vào dịp trước, trong hoặc sau khi Việt Nam tổ chức hoặc chuẩn bị tổ chức các sự kiện quan trọng của đất nước, hàng loạt những trang web, trang báo, những “câu lạc bộ”, diễn đàn trên các trang mạng xã hội do những nhân vật chống đối, các thế lực thù địch ở nước ngoài lại “rầm rộ” đăng tải thông tin sai trái, bịa đặt, vu khống với mục đích làm giảm giá trị của các sự kiện, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò của quần chúng nhân dân, gây chia rẽ quân đội với công an... Chiêu trò không có gì mới, nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi. Người dùng mạng xã hội nếu không tỉnh táo sẽ mắc mưu. Đăng tải thông tin trên thế giới ảo không đúng sẽ nhận lại hệ lụy

    Trả lờiXóa
  2. Internet, môi trường tồn tại của mạng xã hội đang xóa nhòa khoảng cách địa lý. Những động thái dù là nhỏ nhất của một quốc gia, thậm chí của một cá nhân, cũng ngay lập tức được cập nhật trên các trang mạng xã hội. Lợi dụng điều này, các tờ báo, trang tin phản động liên tục cập nhật thông tin về những mặt còn tồn tại trong xã hội, “nhào nặn” thông tin với mục đích phá hoại, rồi tung lên các trang mạng xã hội.
    Lợi dụng sự phát triển của các trang mạng xã hội, sự cả tin của một số người, tâm lý đám đông của những người sử dụng mạng xã hội, các trang báo, trang tin đã liên tục đổi mới phương thức hoạt động. Dùng mạng xã hội đăng tải bài viết; kết bạn với những người sử dụng mạng xã hội trong nước để đưa thông tin thật giả lẫn lộn, nhằm tạo ra sự nghi hoặc và kích động người sử dụng mạng xã hội là chiêu trò mà các thế lực thù địch sử dụng để đẩy mạnh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở Việt Nam.
    Những thủ đoạn mới này cần được tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ và có cách tự đề kháng

    Trả lờiXóa