Thứ năm, 12/06/2025 - 05:23
Chất “cách mạng” chính là phẩm chất cốt lõi của báo chí cách mạng Việt Nam, để phân biệt với các nền báo chí khác. Tuy nhiên, hiện nay, với những tác động mặt trái của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, của quá trình hội nhập khiến độc giả nhận thấy có những cơ quan báo chí không thể hiện được phẩm chất cách mạng trong các tác phẩm báo chí của mình. Việc giữ gìn phẩm chất cách mạng là một yêu cầu tất yếu vì sự tồn tại và phát triển bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam.
Khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh khai sinh ra tờ báo Thanh niên vào ngày 21-6-1925, có thể hiểu rằng mong muốn của Người là tận dụng tối đa sức mạnh tuyên truyền, giác ngộ của báo chí để đưa cách mạng Việt Nam tới thành công. Vì Người biết báo chí có khả năng làm nên những thay đổi lớn lao, tác động tới nhân dân một cách trực tiếp, có thể biến những từ ngữ bình dị trên mặt báo thành sức mạnh vô song góp phần thúc đẩy sự nghiệp cách mạng tiến lên. Như vậy, mục đích để ra đời báo chí cách mạng là để trở thành một lực lượng của cách mạng, một công cụ của cách mạng.
Có thể nêu ra một vài đặc trưng nổi bật của báo chí cách mạng Việt Nam là: Thứ nhất, báo chí cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, lãnh đạo, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, vì mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là nền báo chí của nhân dân, vì lợi ích cao cả của nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân mà hoạt động, chịu sự giám sát của nhân dân.
![]() |
Thứ hai, người làm báo cách mạng chính là người hoạt động cách mạng bằng phương tiện báo chí, thông qua hoạt động báo chí để tuyên truyền, cổ động, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi cương lĩnh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Thứ ba, mỗi cơ quan báo chí đều được xác định tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ đặc thù của mình.
Thứ tư, báo chí phải thực sự là diễn đàn của nhân dân, phản ánh được thực chất ý chí, trí tuệ, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thứ năm, báo chí là bộ phận cấu thành của văn hóa, mỗi bài báo là một sản phẩm văn hóa, phải có tính giáo dục, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng con người phát triển toàn diện.
Ra đời trước cả khi có Đảng ta, có Nhà nước ta, những thành tựu mà báo chí cách mạng Việt Nam đạt được trong 100 năm qua đã đóng góp vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đã tạc thành một tượng đài báo chí trong lòng xã hội và nhân dân. Nhiều lãnh tụ, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam là nhà báo, người làm báo, có các tác phẩm báo chí có ảnh hưởng lớn tới công chúng như: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đầu thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã dùng báo chí như một vũ khí sắc bén, là lực lượng tinh nhuệ để đấu tranh với những hạn chế, tiêu cực của xã hội, vận động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh này. Loạt tác phẩm báo chí “Những việc cần làm ngay” đăng trên Báo Nhân Dân đã thể hiện rõ tinh thần ấy.
Trong suốt thời kỳ đổi mới cho tới nay, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ giúp người dân cập nhật tốt thông tin mà còn góp phần định hướng dư luận xã hội, tăng cường niềm tin; đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động...
Cùng với mặt tích cực là chủ đạo đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, báo chí đã chịu những tác động của mặt trái xã hội thời kinh tế thị trường. Nếu soi chiếu với những đặc trưng, cốt cách của báo chí cách mạng Việt Nam thì có những vấn đề phải được suy tính nghiêm túc về thực trạng báo chí hiện nay, từ đó có giải pháp hữu hiệu.
Đó là, trong một giai đoạn, nhiều cơ quan báo chí, nhiều trang tin điện tử hoạt động như báo chí được sinh ra một cách tràn lan, với tôn chỉ, mục đích không thật vững chắc, cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý, nguồn thu không ổn định. Từ đó đã phát sinh không ít hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cơ quan báo chí, nhà báo và những cộng tác viên tự xưng là “nhà báo” đối với các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nhân dân. Có một thời kỳ, ngay cả trong các phiên họp Chính phủ cũng có những ý kiến phản ảnh những hành vi tiêu cực của một số cơ quan báo chí đã thành cản lực cho quá trình hoạt động của các cơ quan, bộ, ngành.
Rồi xuất hiện cả các nhà báo “đếm tầng”, tờ báo “đếm tầng”, lợi dụng những hạn chế trong việc chấp hành pháp luật trong xã hội để nhũng nhiễu, tống tiền cả các hộ dân khi xây dựng các công trình nhà ở. Đáng buồn thay khi đã có cơ quan báo chí bị rút giấy phép xuất bản, có những nhà báo bị kỷ luật, rút thẻ nhà báo, thậm chí bị xử lý hình sự vì các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, có một hiện tượng báo chí bị mất định hướng chính trị. Có những nhà báo, thậm chí là cán bộ quản lý của cơ quan báo chí cũng không xác định được chính xác vai trò của mình, không hiểu được tính cách mạng, tính đảng của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Họ đem các giá trị của báo chí phương Tây để rập khuôn vào Việt Nam và hiểu nhầm rằng đó mới là những giá trị cốt lõi của báo chí.
Có người thậm chí có suy nghĩ lệch lạc rằng báo chí cần phải giữ thế “khách quan”, “trung lập” trong mối quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là những biểu hiện không thể xem nhẹ, cần được kịp thời nhận biết và có các giải pháp để điều chỉnh. Trong đó, cần phải đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ người làm báo, đặc biệt là những người làm công tác lãnh đạo, quản lý cơ quan báo chí.
Ngược lại, cũng có một bộ phận báo chí chưa thực hiện đúng chức năng là diễn đàn của nhân dân, chưa phản ánh được thực chất ý chí, trí tuệ, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, rơi vào trạng thái “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”.
Những tờ báo ấy trở thành một kiểu báo chí phụ họa, báo chí một chiều, một kiểu công báo chứ không phải báo chí đúng nghĩa. Kiểu báo chí ấy sẽ khiến công chúng dần xa lánh, sẽ tự đánh mất vai trò của mình, tự kết liễu mình, sẽ không hoàn thành được trọng trách là cầu nối tin cậy giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Báo chí cách mạng, nhà báo cách mạng dứt khoát phải có dũng khí, phải có sự can trường để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ công lý, vì nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Lại có kiểu báo chí hoàn toàn để nhu cầu tầm thường của độc giả dẫn dắt nên trong nội dung toàn những thứ thông tin gây sốc, không phù hợp với văn hóa, khai thác quá mức đời tư của các ngôi sao, người của công chúng... Có thể vì những người làm báo ấy cho rằng như thế mới là nhạy bén, mới hiểu độc giả, phục vụ thị hiếu độc giả. Nhưng thực ra, họ đang đi theo một con đường ngược hướng, lẽ ra phải thực hiện chức năng giáo dục, hướng độc giả đến những thông tin lành mạnh, tạo ra những nhu cầu mới, hữu ích cho độc giả thì kiểu báo chí ấy lại khiến độc giả của mình chìm đắm trong những thông tin có hại.
Có những người so sánh báo chí và mạng xã hội để nhận xét rằng, báo chí đang tụt lại trong cuộc cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, mà thực chất là một cuộc đấu tranh sinh tồn. Nhận xét như thế có hơi vội vàng chăng? Bởi công nghệ sẽ luôn thay đổi, sẽ không có tận cùng. Công nghệ này ra đời ít lâu, sẽ có công nghệ khác mới hơn, vượt trội hơn phủ định. Cho nên tốc độ đưa thông tin, độ phủ của thông tin tuy rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Tính chính xác, khách quan, giá trị nhân văn, nhân bản của thông tin mới là thứ mà công chúng thực sự tìm kiếm.
Công chúng đã và sẽ ngày càng chán ngấy kiểu đưa thông tin hỗn loạn, thiếu chắc chắn, thậm chí lừa bịp, giá trị ảo, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm của các KOL, người nổi tiếng trên mạng xã hội, để từ đó tìm những nguồn tin đáng tin cậy. Sự tin cậy chính là giá trị giúp báo chí tồn tại và phát triển. Thực hiện đúng phẩm chất, đặc trưng của báo chí cách mạng chính là cơ sở để cơ quan báo chí củng cố vững chắc sự tin cậy của độc giả.
Với 100 năm tuổi, báo chí cách mạng Việt Nam là một chứng nhân hàng đầu của lịch sử cách mạng Việt Nam với bao biến cố, thăng trầm, thành tựu. Những người làm báo chí cách mạng Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, buộc phải thay đổi nhanh để thích ứng với những yêu cầu mới đang đặt ra, nhất là yêu cầu về công nghệ và nhu cầu của độc giả. Thế nhưng những sự thay đổi ấy không thể làm thay đổi bản chất của báo chí cách mạng Việt Nam.
Báo chí cách mạng Việt Nam sẽ luôn là lực lượng, là động lực quan trọng để thúc đẩy con thuyền cách mạng Việt Nam tới những bến bờ vinh quang.
HỒ QUANG PHƯƠNG
Một bài viết rất đáng suy ngẫm, đặt ra yêu cầu vừa có tính cấp thiết, vừa có tính lâu dài đối với đội ngũ những người làm báo hiện nay – đó là: Giữ gìn và phát huy bản chất cách mạng của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, mạng xã hội và truyền thông đa phương tiện ngày càng chi phối đời sống thông tin, thì việc giữ vững định hướng, bảo vệ giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng lại càng quan trọng và khó khăn hơn bao giờ hết.
Trả lờiXóaPhẩm chất “cách mạng” không chỉ là điểm phân biệt giữa báo chí cách mạng Việt Nam với các mô hình báo chí phương Tây mà còn là yếu tố quyết định để báo chí thực sự trở thành một lực lượng chiến đấu trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử 100 năm của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã khẳng định điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập nền báo chí cách mạng – cũng là một nhà báo vĩ đại. Với tờ “Thanh niên”, Người đã đặt viên gạch đầu tiên, để từ đó báo chí không chỉ là phương tiện thông tin mà còn là vũ khí tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, tổ chức phong trào cách mạng.
Tuy nhiên, đáng buồn thay, hiện nay không ít cơ quan báo chí, phóng viên đã xa rời những chuẩn mực đó. Một số người làm báo ngộ nhận về sự “khách quan”, “trung lập” theo mô hình phương Tây, dẫn đến tình trạng đánh mất tính chiến đấu, nhạt nhòa vai trò tư tưởng – văn hóa của báo chí. Lại có người chạy theo thị hiếu tầm thường, để báo chí trở thành nơi khai thác đời tư, giật tít câu view, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt nhằm thu hút lượng truy cập. Có những “nhà báo” tự xưng đã lợi dụng quyền lực truyền thông để nhũng nhiễu, làm tiền doanh nghiệp, cá nhân, gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự nghề nghiệp và lòng tin của công chúng.
Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, một bộ phận cơ quan báo chí đang thiếu vắng vai trò định hướng tư tưởng, chưa phản ánh thực chất hơi thở cuộc sống, chưa là diễn đàn của nhân dân đúng nghĩa. Một nền báo chí như vậy, dù công nghệ có hiện đại đến đâu, hình thức có bóng bẩy đến mức nào, cũng khó giữ được độc giả trung thành, khó duy trì được vai trò chiến lược trong đời sống xã hội.
Vì thế, muốn giữ vững và phát huy tính cách mạng, bản thân mỗi người làm báo cần thấm nhuần lý tưởng chính trị, hiểu rõ vai trò người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, nâng cao trình độ chuyên môn và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Cần nhận thức đúng rằng báo chí cách mạng không phải chỉ là phản ánh thông tin, mà phải góp phần định hướng dư luận, cổ vũ điều hay, cái tốt, đấu tranh chống lại cái xấu, tiêu cực, sai trái và thù địch. Bản lĩnh chính trị, đạo đức báo chí, sự tỉnh táo và trách nhiệm xã hội là những yếu tố then chốt mà người làm báo hôm nay phải giữ gìn và trau dồi.
Báo chí cách mạng Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là lực lượng tiên phong trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng để tiếp tục sứ mệnh đó, báo chí không thể chỉ chạy theo công nghệ, thị trường, hay thị hiếu nhất thời – mà phải trở lại với chính mình, với cốt cách, lý tưởng và sứ mệnh cao cả mà thế hệ đi trước đã đổ máu, đổ mồ hôi xây dựng nên.
Bài viết đã gợi mở một chủ đề có ý nghĩa cực kỳ lớn đối với sự phát triển bền vững của nền báo chí nước nhà. Trong dòng chảy sôi động, biến hóa từng ngày của thời đại số, báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục khẳng định vai trò định hướng dư luận, lan tỏa giá trị chân – thiện – mỹ, và hơn hết là bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Nếu không giữ vững bản sắc cách mạng thì báo chí sẽ dễ bị cuốn vào trào lưu thương mại hóa, vô tình trở thành công cụ phục vụ cho lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm.
Trả lờiXóaThực tế cho thấy, một số tờ báo đang sa đà vào thông tin giật gân, câu khách, thậm chí là khai thác đời tư của cá nhân với mục tiêu duy nhất là tăng tương tác. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của báo chí cách mạng mà còn làm xói mòn lòng tin của độc giả. Khi tin giả, tin sai sự thật lan tràn trên mạng xã hội, công chúng quay sang tìm đến báo chí chính thống như một chốn nương náu của sự thật. Nếu ngay cả báo chí cách mạng cũng đánh mất mình trong cơn lốc truyền thông “tốc độ cao nhưng thiếu chiều sâu”, thì đó là thất bại không chỉ của một ngành mà còn là tổn thất đối với hệ thống chính trị, với văn hóa xã hội nói chung.
Một nền báo chí vững mạnh phải được xây dựng trên nền tảng lý luận chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp cao cả và tinh thần cách mạng kiên trung. Từng nhà báo phải là người lính xung kích, biết đấu tranh với cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái thiện. Nhưng quan trọng hơn, mỗi tờ báo, mỗi cơ quan chủ quản cần thực sự giữ vững định hướng, tránh tình trạng buông lỏng quản lý khiến báo chí trở thành công cụ mưu lợi hoặc bị lợi dụng làm tổn hại đến lợi ích quốc gia – dân tộc.
Báo chí cách mạng không chỉ đơn thuần là người đưa tin, mà còn là người “gieo mầm lý tưởng”, “đánh thức trách nhiệm xã hội” trong lòng công chúng. Điều đó đòi hỏi mỗi tác phẩm báo chí phải thấm đẫm tư tưởng, có chiều sâu về nhận thức, giàu tính phản biện và mang trong nó sức mạnh cảm hóa, giáo dục con người. Không ai khác, chính báo chí sẽ là “ngọn đèn” dẫn lối tư tưởng, chứ không phải chỉ là “tấm gương phản chiếu” xã hội.
Báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn: sự cạnh tranh khốc liệt của truyền thông số, áp lực thị trường, sự đổi thay nhanh chóng trong thị hiếu độc giả và đặc biệt là làn sóng thông tin sai lệch, độc hại tràn lan trên không gian mạng. Trong bối cảnh đó, việc quay trở lại với giá trị gốc rễ – phẩm chất cách mạng – không chỉ là yêu cầu lý luận mà còn là bài toán sống còn nếu muốn báo chí giữ được vị trí trung tâm trong đời sống tư tưởng – văn hóa của xã hội.
Trả lờiXóaChúng ta không thể có một nền báo chí mạnh nếu thiếu một đội ngũ nhà báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, hiểu biết sâu sắc về đường lối, chủ trương của Đảng, có lòng yêu nước chân thành và đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Người làm báo cách mạng không chỉ giỏi kỹ năng nghề nghiệp, biết sử dụng công nghệ hiện đại, mà còn phải “dám nói”, “dám viết”, “dám đương đầu” với cái xấu, cái sai và bảo vệ sự thật, công lý đến cùng. Tính cách mạng là ở chỗ đó – không thỏa hiệp, không im lặng, không chạy theo đám đông.
Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là sự lẫn lộn giữa báo chí và mạng xã hội, giữa thông tin có trách nhiệm và thông tin tự phát. Trong khi báo chí phải tuân thủ quy trình kiểm chứng, xử lý thông tin, thì mạng xã hội lại có thể lan truyền mọi thứ trong tích tắc mà không cần xác minh. Điều đó càng đòi hỏi báo chí chính thống phải giữ mình, không được đánh mất giá trị cốt lõi chỉ vì muốn chạy đua “kịp thời gian” hay “thỏa mãn thị hiếu nhất thời”. Đừng để những cú nhấp chuột trở thành mục tiêu cuối cùng thay vì là phương tiện để lan tỏa điều đúng đắn.
Sự tin cậy của công chúng là tài sản quý giá nhất của báo chí cách mạng. Để giữ được sự tin cậy ấy, báo chí phải không ngừng đổi mới về hình thức, công nghệ, nội dung nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được rời xa mục tiêu phục vụ lợi ích của nhân dân, bảo vệ lý tưởng cách mạng. Mỗi bài báo phải vừa đúng – vừa trúng – vừa hay; vừa mang thông tin thời sự, vừa có chiều sâu tư tưởng, vừa giúp người đọc hiểu rõ hơn về Đảng, về đất nước, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang lựa chọn.