Thứ năm, 05/06/2025 - 06:01
Thời gian qua, không chỉ các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc về chế độ dân chủ ở nước ta khi cho rằng “không có dân chủ trong chế độ đảng cộng sản duy nhất cầm quyền”, một số người trong nước cũng ngộ nhận, mơ hồ về luận điệu sai trái này. Vì vậy, việc làm sáng tỏ bản chất dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay một đảng cầm quyền là việc làm cần thiết nhằm phòng ngừa biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong nội bộ.
Tư tưởng dân chủ là giá trị chung của nhân loại
Khi xã hội loài người hình thành, con người với tư cách là thực thể xã hội, con người biết làm chủ xã hội với những cấp độ: Làm chủ bản thân, làm chủ gia đình, làm chủ cộng đồng và làm chủ xã hội. Dân chủ gắn liền với tiến bộ xã hội và sự phát triển của lịch sử, qua các chế độ xã hội và thời gian khác nhau. Dân chủ dùng để chỉ quyền làm chủ của nhân dân và xuất hiện khi có nhà nước và luôn gắn liền với một nhà nước nhất định, được hiến pháp, luật pháp của nhà nước đó quy định. Như vậy, trong xã hội có giai cấp, dân chủ mang bản chất giai cấp sâu sắc và trong khuôn khổ của pháp luật xã hội đó, không có dân chủ phi giai cấp, mọi luận điệu phủ nhận vấn đề này đều chỉ là sự lừa gạt, dối trá trước quần chúng. Giai cấp nào nắm được tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội thì mới có đầy đủ điều kiện thực hiện được quyền làm chủ xã hội thực sự.
Dân chủ không phải là khái niệm bất biến mà là một phạm trù chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội và luôn gắn với sự tồn tại của các kiểu nhà nước trong những điều kiện cụ thể nhất định. Trong mỗi hình thái kinh tế-xã hội, mỗi thời đại, mỗi quốc gia, dân tộc, dân chủ luôn có những nét đặc trưng.
Trong chế độ chiếm hữu nô lệ, xét về bản chất chính là dân chủ của giai cấp chủ nô. Chế độ phong kiến, các tư tưởng và mô hình dân chủ bị hạn chế, cấm đoán bởi chế độ tập quyền chuyên chế khi quyền lực tuyệt đối nằm trong tay một đấng quân vương. Sự ra đời của nhà nước tư sản, nền dân chủ tư sản được xác lập do cuộc cách mạng tư sản dựa trên cơ sở liên minh giữa giai cấp tư sản với các giai cấp khác lật đổ chế độ phong kiến. Những tuyên bố về tự do, bình đẳng, bác ái, tư tưởng về nhà nước pháp quyền và xã hội công dân là những nội dung đầu tiên của dân chủ tư sản. Nhà nước tư sản đã đánh dấu một nấc thang phát triển về dân chủ so với dân chủ của chế độ chuyên chế phong kiến. Tuy nhiên, với bản chất của xã hội tư sản, nền dân chủ đại diện chỉ nhằm mục đích cao nhất là bảo vệ sự thống trị, bảo vệ quyền sở hữu, lợi ích của giai cấp tư sản và một bộ phận tinh hoa của xã hội.
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, với tính cách là một nấc thang phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản, dân chủ trong xã hội xã hội chủ nghĩa khác hẳn về chất so với các nền dân chủ trước đó. Mục tiêu xuyên suốt và cốt lõi của dân chủ xã hội chủ nghĩa là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, tạo ra ngày càng nhiều hơn các điều kiện thuận lợi để thực hiện xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, công lý cho mọi người, bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ, bình đẳng giữa các dân tộc. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện ở việc bảo vệ quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân lao động; thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do được bảo đảm về mặt pháp lý để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, có nội dung toàn diện, được thể hiện trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó nổi bật là sự tham gia một cách bình đẳng và rộng rãi của những người lao động vào công việc quản lý xã hội, quản lý nhà nước thông qua hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
![]() |
Bản chất dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay một đảng
Lịch sử đã chứng minh, trình độ dân chủ không tỷ lệ thuận với sự gia tăng số lượng đảng chính trị. Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển hay không. Đó là tiêu chí quan trọng nhất. Dân chủ hay không dân chủ còn phụ thuộc vào việc đảng cầm quyền bảo vệ quyền và lợi ích của một nhóm người hay của đại đa số nhân dân, gắn với quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Hơn nữa, đa nguyên chính trị, đa đảng không phải là một giá trị phổ quát của nhân loại và là điều kiện tiên quyết cho một nền dân chủ.
Trên phương diện lý luận khoa học và thực tiễn cho thấy, trong chế độ đảng cộng sản duy nhất cầm quyền ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vấn đề dân chủ không phụ thuộc vào đa nguyên chính trị, mà quan trọng nhất là xuất phát từ sứ mệnh, mục tiêu, lý tưởng của chính đảng cầm quyền có thật sự thừa nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ và phát huy quyền dân chủ của các tầng lớp nhân dân hay không.
Nhân dân Việt Nam được quyền làm chủ và thụ hưởng mọi thành quả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
Trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, hàng chục cuộc khởi nghĩa, phong trào chống thực dân Pháp đã nổ ra theo nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng cuối cùng đều thất bại. Nhiều đảng phái thuộc mọi khuynh hướng chính trị đã ra đời nhưng đều không hoàn thành được sứ mệnh giành độc lập cho dân tộc, thậm chí nhiều đảng phái ngày càng thoái hóa biến chất, đi ngược lại lợi ích dân tộc, làm tay sai cho ngoại bang, đế quốc.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh và khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam-lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam-là hoàn toàn do nhân dân, dân tộc ta lựa chọn từ chính những trải nghiệm trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp cách mạng ở nước ta đã đem lại độc lập, tự do cho dân tộc; quyền bình đẳng giữa các dân tộc, giữa các thành phần kinh tế; quyền tự do làm giàu theo pháp luật, phát huy dân chủ gắn liền với giữ vững kỷ cương xã hội. Thông qua cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã góp phần bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, để nhân dân xứng đáng là người làm chủ và người làm chủ thật sự của xã hội.
Những thành tựu kinh tế-xã hội trong 4 thập niên đổi mới của nước ta càng cho thấy rõ điều đó. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) không ngừng mở rộng, năm 2024 đạt 476 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đứng thứ 33 thế giới; thu nhập bình quân đầu người đạt mức 4.700USD. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Theo Báo cáo hạnh phúc thế giới 2025, Việt Nam xếp thứ 46 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng; xét ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 2 sau Singapore. Việt Nam nằm trong số các nước có xếp hạng chỉ số hạnh phúc liên tục tăng nhanh trong 3 năm trở lại đây. Từ năm học 2025-2026, Đảng, Nhà nước ta ban hành chính sách miễn học phí cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông trên cả nước, hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non và học sinh phổ thông ở các trường dân lập và tư thục. Thực hiện chủ trương của Đảng, giai đoạn 2026-2030 sẽ từng bước thực hiện lộ trình miễn viện phí cho toàn dân; phấn đấu 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần.
Được biết, sau hơn 3 tuần triển khai lấy ý kiến nhân dân về nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, đến ngày 28-5-2025, đã có gần 51,2 triệu ý kiến (trong đó có gần 2,6 triệu ý kiến của tổ chức và hơn 48,6 triệu ý kiến của cá nhân). Tổng số đó có hơn 49,9 triệu ý kiến tán thành (chiếm 98%) đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013. Điều đó cho thấy, các tầng lớp nhân dân ngày càng tham gia tích cực vào đời sống chính trị của đất nước, đồng thời thể hiện quyền dân chủ của người dân đã được phát huy trong thực tiễn.
Những minh chứng đó thêm một lần khẳng định bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng là cơ sở minh chứng những thành quả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã, đang thuộc về đại đa số nhân dân trong một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trung tá VŨ XUÂN LUYỆN, Học viện Quốc phòng
Trong bối cảnh các thế lực thù địch không ngừng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc về tình hình dân chủ tại Việt Nam, bài viết đã làm rõ một vấn đề hết sức cốt lõi: bản chất của dân chủ không nằm ở số lượng các đảng chính trị, mà nằm ở việc ai thực sự đại diện, bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Dân chủ không phải là khẩu hiệu để “trang trí” cho thể chế, mà là phương thức để nhân dân làm chủ thực sự trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Trả lờiXóaCần nhấn mạnh rằng, Việt Nam lựa chọn chế độ một đảng không phải vì áp đặt hay cưỡng chế, mà đó là kết quả của quá trình sàng lọc lịch sử và sự lựa chọn của chính nhân dân, sau những thử nghiệm đầy đau thương với các mô hình chính trị khác nhau. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam – lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng thành công, giành độc lập, thống nhất đất nước và đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên phát triển – mới được nhân dân tin tưởng giao phó sứ mệnh dẫn dắt đất nước.
Những kẻ cố tình phủ nhận dân chủ ở Việt Nam thường viện dẫn mô hình đa đảng của phương Tây để đưa ra các kết luận sai lầm. Tuy nhiên, họ cố tình quên rằng: trong những quốc gia phát triển, nơi tồn tại chế độ đa đảng, quyền lực thực chất vẫn tập trung vào một thiểu số tinh hoa chính trị và tài phiệt kinh tế, chứ không hẳn là sự làm chủ thực sự của nhân dân. Tình trạng “tự do bầu cử nhưng không tự do lựa chọn”, hay “dân chủ hình thức” đang là thực trạng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam, thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo – Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ” cùng với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, người dân được bảo đảm đầy đủ quyền làm chủ, được trực tiếp tham gia và thụ hưởng mọi thành quả phát triển của đất nước.
Sự thật là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đang không ngừng được mở rộng, sâu sắc và hiệu quả hơn qua từng năm. Từ việc tổ chức lấy ý kiến hàng chục triệu người dân cho các bản dự thảo Hiến pháp, cho tới chính sách miễn học phí, hướng tới miễn viện phí toàn dân, chăm lo sức khỏe định kỳ cho toàn dân – tất cả đều cho thấy chính quyền do Đảng lãnh đạo đang hành động vì dân, lấy dân làm gốc và phát triển xã hội theo hướng công bằng, văn minh, tiến bộ.
Việc một số người dân trong nước còn hoang mang, nghi ngờ hoặc ngộ nhận trước luận điệu “đa đảng mới có dân chủ” là do thiếu thông tin, hoặc bị ảnh hưởng bởi luồng tư tưởng độc hại lan truyền trên không gian mạng. Đấu tranh chống lại sự suy thoái về tư tưởng chính trị bắt đầu từ việc làm rõ bản chất của nền dân chủ mà chúng ta đang xây dựng, khẳng định rằng, dân chủ chân chính là dân chủ vì con người, do con người và vì lợi ích số đông nhân dân lao động – chứ không phải chỉ nằm trong các hình thức, mô hình hay số lượng các đảng chính trị.
Bởi vậy, việc kiên định con đường dân chủ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là sự lựa chọn đúng đắn của dân tộc ta, mà còn là nền tảng vững chắc để bảo vệ độc lập, phát triển đất nước bền vững và nâng cao đời sống nhân dân – điều mà không một mô hình dân chủ hình thức nào có thể thay thế.
Thật đáng tiếc khi một số người, do thiếu hiểu biết hoặc bị dẫn dắt bởi những luận điệu phản động, lại đi hoài nghi chính chế độ dân chủ đang bảo vệ quyền lợi của chính họ. Bài viết đã phân tích rất rõ rằng dân chủ không thể được đánh giá chỉ bằng số lượng đảng chính trị hiện diện trong một quốc gia. Điều cốt lõi của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân, là khả năng người dân được tham gia, quyết định và giám sát các công việc của đất nước. Việt Nam, với chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo, đã chứng minh rõ điều đó bằng những chính sách, thành tựu và tiến bộ toàn diện trong mọi lĩnh vực.
Trả lờiXóaChúng ta không phủ nhận các quốc gia có chế độ đa đảng, nhưng thực tế đã cho thấy nhiều hệ thống đa đảng lại dẫn đến chia rẽ, xung đột chính trị nội bộ, lợi ích nhóm thao túng và gây bất ổn xã hội. Trong khi đó, dưới sự lãnh đạo tập trung, ổn định và xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã giữ vững được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời phát triển nhanh chóng về kinh tế, đảm bảo phúc lợi xã hội và nâng cao vị thế quốc tế. Dân chủ ở Việt Nam không phải là một khẩu hiệu hời hợt, mà là một thực tiễn sống động, gần gũi với đời sống hằng ngày của người dân.
Cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” không phải chỉ tồn tại trên văn bản, mà đã được thể hiện rõ trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp, trong các cuộc bầu cử, trong các chính sách an sinh xã hội và trong việc người dân được tiếp cận thông tin, được đối thoại với chính quyền. Đó là những biểu hiện sinh động của một nền dân chủ thực chất. Chúng ta cần vững tin, cảnh giác và chủ động đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái phủ nhận mô hình dân chủ của Việt Nam, vì bản chất dân chủ không nằm ở hình thức, mà ở giá trị thực sự mà nó mang lại cho người dân.
Trong khi nhiều quốc gia tự cho là “nền dân chủ kiểu mẫu” đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin vào thể chế, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng trầm trọng, và bạo lực chính trị diễn ra thường xuyên thì Việt Nam – dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất – lại không ngừng củng cố ổn định chính trị, phát triển kinh tế và từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Đó không chỉ là minh chứng thuyết phục về hiệu quả của mô hình dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà còn là câu trả lời đanh thép cho mọi luận điệu phủ nhận dân chủ trong chế độ một đảng.
Trả lờiXóaDân chủ ở Việt Nam không dừng lại ở quyền bầu cử hay ứng cử, mà thể hiện ở quyền được sống trong một xã hội hòa bình, ổn định; quyền tiếp cận y tế, giáo dục, thông tin; quyền được phản ánh và giám sát hoạt động của chính quyền, và đặc biệt là quyền tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia – như việc gần 51 triệu lượt ý kiến nhân dân đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa qua.
Những người phủ nhận dân chủ ở Việt Nam thường chỉ dựa vào các tiêu chí hình thức để so sánh một cách áp đặt, mà bỏ qua hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của từng quốc gia. Họ cố tình phớt lờ thực tế rằng: ở Việt Nam, chính người dân là chủ thể và là trung tâm của mọi chính sách, còn Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất đã, đang và sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu vì dân, vì nước.
Là công dân Việt Nam, chúng ta có trách nhiệm không chỉ thụ hưởng thành quả dân chủ, mà còn phải gìn giữ, phát triển và bảo vệ nền dân chủ ấy khỏi các âm mưu xuyên tạc, phá hoại. Muốn làm được điều đó, cần bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức chính trị, trang bị cho mình khả năng tư duy độc lập, biết phân biệt thật – giả, đúng – sai, đồng thời tích cực lan tỏa những thông tin tích cực, chính xác để giữ vững trận địa tư tưởng trong bối cảnh cuộc chiến thông tin ngày càng phức tạp và khốc liệt.