Không thể phủ nhận giá trị bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam

Thứ Hai, 16/06/2025, 07:53

Báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế vững chắc, không thể phủ nhận trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Trải qua một thế kỷ hình thành và phát triển, từ tờ báo cách mạng đầu tiên là Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập (21/6/1925), đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành một dòng chủ lưu mạnh mẽ, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng của báo chí, các thế lực thù địch, phản động không ngừng tìm mọi cách để xuyên tạc, bóp méo bản chất, giá trị của nền báo chí nước nhà.

Nhận diện luận điệu sai trái, xuyên tạc 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự bùng nổ của thông tin trên không gian mạng, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách lợi dụng những sơ hở, điểm yếu trong quá trình phát triển để đưa ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc về báo chí cách mạng Việt Nam. Các luận điệu sai trái thường tập trung vào việc tuyên bố Việt Nam không có tự do báo chí, báo chí bị kiểm duyệt gắt gao. Đây là luận điệu phổ biến nhằm đánh lừa dư luận quốc tế rằng, báo chí Việt Nam không phản ánh đúng sự thật, không phải là tiếng nói của người dân mà chỉ là công cụ tuyên truyền một chiều của Đảng, Nhà nước. Họ thường xuyên dẫn ra các trường hợp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí hoặc những quy định về sắp xếp tổ chức, việc thực hiện tôn chỉ mục đích, định hướng nội dung thông tin trên báo chí… để chứng minh cho lập luận này.

Không thể phủ nhận giá trị bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam -0
Báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế vững chắc, không thể phủ nhận trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Song song đó, các thế lực thù địch còn cáo buộc báo chí cách mạng là công cụ “tẩy não”, cho rằng báo chí Việt Nam chỉ đăng tải những thông tin “theo ý Đảng”, không cho phép tranh luận, phản biện, từ đó “nhồi sọ” người dân tin theo những điều không đúng sự thật. Họ thường xuyên chỉ trích khi báo chí tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vu cáo ở Việt Nam không có tự do báo chí.

Thậm chí, một số đối tượng còn xuyên tạc về vai trò giám sát, phản biện của báo chí, cho rằng báo chí cách mạng không dám đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng hoặc nếu có thì chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ, “quan chức bé” nhằm che giấu những vấn đề lớn hơn. Các thế lực thù địch cố tình bỏ qua những đóng góp to lớn của báo chí trong việc phanh phui nhiều vụ án tham nhũng lớn, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước. Để tăng cường sự hoài nghi, các thế lực xấu ra sức đề cao cái gọi là “báo chí lề trái”, “truyền thông độc lập”, ca ngợi, bảo vệ các trang tin, blog cá nhân thường xuyên đăng tải thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình đất nước. 

Thủ đoạn phổ biến nhất là lợi dụng không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội. Các thế lực này lập ra hàng loạt tài khoản ảo, fanpage, nhóm kín trên Facebook, YouTube, Twitter, TikTok… để phát tán thông tin sai lệch, bịa đặt, bóp méo sự thật về báo chí. Họ sử dụng công nghệ deepfake, chỉnh sửa hình ảnh, video để tạo ra các sản phẩm truyền thông giả mạo, gây hoang mang dư luận. Các thế lực thù địch cũng thường xuyên sử dụng chiêu bài “nhân quyền”, “dân chủ”, gắn việc xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí với việc “đàn áp tự do ngôn luận”, “vi phạm nhân quyền”. Từ đó kêu gọi sự can thiệp từ các tổ chức quốc tế, tạo áp lực lên Việt Nam.

Mục đích của các hoạt động chống phá nhằm gây nhiễu loạn thông tin, tạo ra sự hoài nghi, mất niềm tin vào hệ thống thông tin chính thống, từ đó làm suy yếu niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng cách xuyên tạc báo chí - một công cụ sắc bén của Đảng. Phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng cách chia rẽ nhân dân với Đảng, giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các dân tộc, tôn giáo, gây ra những mâu thuẫn, bất ổn trong xã hội. Cuối cùng là làm suy yếu chế độ XHCN ở Việt Nam bằng cách tác động từ bên trong, về tư tưởng, chính trị. Việc nhận diện rõ các luận điệu sai trái, âm mưu, thủ đoạn và mục đích chống phá của các thế lực thù địch để chúng ta chủ động đấu tranh, phản bác, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và giá trị bền vững của báo chí cách mạng Việt Nam.

Một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân

Trên thực tế, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do báo chí. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cùng với đó, Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản dưới luật đã cụ thể hóa các quy định này, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động báo chí, đảm bảo quyền tự do báo chí trong khuôn khổ pháp luật.

Việt Nam có hệ thống báo chí đa dạng về loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình). Tính đến hết năm 2024, cả nước có 884 cơ quan báo chí, gồm: 812 báo, tạp chí và 72 đài phát thanh truyền hình; nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người, có khoảng 21.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo. Các cơ quan báo chí hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, đồng thời cũng là diễn đàn rộng rãi để nhân dân bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền. Việc xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực báo chí là nhằm chấn chỉnh các sai phạm để hoạt động báo chí đi đúng hướng, đó không phải là sự “đàn áp tự do ngôn luận” mà là để bảo vệ lợi ích của xã hội, ngăn chặn việc lợi dụng tự do báo chí để phát tán thông tin sai lệch, gây hại cho đất nước và nhân dân.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua một chặng đường lịch sử đầy vẻ vang, gắn liền với những thăng trầm của dân tộc. Báo chí đã thực sự trở thành một dòng chủ lưu mạnh mẽ, một bộ phận không thể tách rời của sự nghiệp cách mạng. Trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc (1925 - 1945), báo chí cách mạng đóng vai trò tiên phong trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam. Các tờ báo như Thanh Niên, Công Nông, Lính Kách Mệnh, Búa Liềm… dù ra đời trong điều kiện hết sức khó khăn, bí mật, thường xuyên bị khủng bố, đàn áp, nhưng đã trở thành những ngọn cờ tập hợp, giác ngộ quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh chống ách thống trị của thực dân Pháp. Báo chí đã tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, vạch trần tội ác của chế độ thực dân phong kiến, phân tích rõ tình cảnh mất nước, lầm than của dân tộc, đồng thời giới thiệu về chủ nghĩa Mác - Lênin, con đường cứu nước theo khuynh hướng vô sản. 

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975), báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành một mặt trận tư tưởng sắc bén, không ngừng cổ vũ quân và dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành chiến thắng. Các cơ quan báo chí như Nhân Dân, QĐND, CAND… đã kịp thời thông tin về tình hình chiến sự, cổ vũ tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu, ca ngợi những tấm gương anh hùng, động viên toàn dân tham gia kháng chiến. Những bài viết, hình ảnh, phóng sự từ chiến trường đã tiếp thêm sức mạnh cho hậu phương, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng. Báo chí đã phản ánh cuộc sống sản xuất, chiến đấu của nhân dân ở hậu phương, vừa là nguồn động viên, vừa là những tư liệu lịch sử vô giá. Đặc biệt, báo chí đã góp phần đưa tiếng nói chính nghĩa của Việt Nam ra thế giới, vạch trần tội ác chiến tranh của thực dân, đế quốc, đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế (1975 - 2025), báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò xung kích, đồng hành cùng dân tộc. Báo chí là kênh thông tin chủ yếu để tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Báo chí đã trở thành một diễn đàn rộng rãi để nhân dân bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị với Đảng và Nhà nước, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhiều ý kiến, góp ý qua báo chí đã được tiếp thu, đóng góp vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật. Báo chí đã phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện xã hội, dũng cảm phanh phui nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Bên cạnh đó, báo chí đã tích cực tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, bài trừ những hủ tục lạc hậu, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, báo chí nước nhà đã góp phần tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, đồng thời cung cấp thông tin về tình hình quốc tế, giúp nhân dân hiểu rõ hơn về thế giới bên ngoài, thực hiện tốt vai trò tuyên truyền về hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam. Quan trọng hơn, báo chí cách mạng luôn là mũi nhọn sắc bén trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, kịp thời phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Báo chí đã thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, trở thành kênh thông tin quan trọng để phản ánh các vấn đề bức xúc trong xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền. Báo chí cũng là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giúp Đảng, Nhà nước nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhân dân, từ đó ban hành các chính sách phù hợp, sát với thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, báo chí còn có vai trò giáo dục, nâng cao dân trí, cung cấp tri thức, thông tin về mọi mặt đời sống, góp phần nâng cao trình độ dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Báo chí đã và đang là công cụ để tuyên truyền, góp phần tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Nhìn lại chặng đường 100 năm qua, rõ ràng không thể phủ nhận giá trị bền vững và những đóng góp to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch vẫn không ngừng chống phá, xuyên tạc, cần tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng, đồng thời đổi mới, hiện đại hóa để đáp ứng yêu cầu của thời đại, xứng đáng với niềm tin của Đảng và nhân dân.

Chu Xuân Đại Thắng 

3 nhận xét:

  1. Bài viết là một tổng kết toàn diện và sâu sắc về hành trình 100 năm phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời vạch rõ bản chất, âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc xuyên tạc, bóp méo giá trị cốt lõi của nền báo chí nước nhà. Qua từng dòng viết, người đọc không chỉ thấy được vai trò to lớn của báo chí cách mạng trong các giai đoạn lịch sử, mà còn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng và bản chất cách mạng của báo chí trong bối cảnh hiện đại.

    Báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ đơn thuần là một kênh truyền tải thông tin, mà còn là “vũ khí tư tưởng sắc bén” đồng hành cùng Đảng và nhân dân trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước. Từ thời kỳ đấu tranh giành độc lập đến công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày nay, báo chí đã khẳng định được vai trò tiên phong trong tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước, bảo vệ chân lý cách mạng và là cầu nối vững chắc giữa Đảng với nhân dân.

    Đáng chú ý, bài viết đã nhận diện một cách chính xác và kịp thời những thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp của các thế lực thù địch. Việc lợi dụng các vụ việc đơn lẻ, khai thác thiếu thiện chí các quy định pháp luật về báo chí, gán ghép hành động xử lý sai phạm với “đàn áp tự do ngôn luận”, là cách chúng tìm cách đánh tráo khái niệm, gieo rắc hoài nghi trong lòng công chúng. Những luận điệu như “Việt Nam không có tự do báo chí”, “báo chí bị kiểm duyệt”, “chỉ biết ca ngợi Đảng”... thực chất chỉ là bình phong để che giấu âm mưu lâu dài: chia rẽ lòng dân, làm xói mòn niềm tin, hướng tới phá hoại chế độ từ bên trong.

    Song điều các thế lực ấy không thể phủ nhận là: chính báo chí cách mạng đã phát hiện và phanh phui không ít vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, góp phần bảo vệ sự trong sạch của Đảng, thúc đẩy cải cách thể chế và xây dựng xã hội dân chủ, văn minh hơn. Những bài viết điều tra sâu sắc, những phóng sự phản ánh thực trạng xã hội kịp thời, những tiếng nói phản biện xây dựng trên tinh thần đổi mới đã và đang chứng minh báo chí cách mạng không hề là “cái bóng” hay “công cụ một chiều”, mà thực sự là “người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng”.

    Sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với báo chí cách mạng. Trong khi thông tin sai lệch, giật gân, giả mạo tràn lan, báo chí chính thống càng cần phải giữ vững lập trường, nâng cao tính chiến đấu, chính xác và nhân văn trong mỗi sản phẩm báo chí. Đó là cách duy nhất để giữ gìn niềm tin công chúng, khẳng định vị thế không thể thay thế của báo chí trong xã hội hiện đại.

    100 năm là một chặng đường vẻ vang nhưng cũng là bước đệm cho hành trình mới. Báo chí cách mạng Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, bắt kịp xu thế công nghệ, đồng thời vẫn kiên định với những giá trị cốt lõi: trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với lý tưởng cách mạng. Đó là con đường đúng đắn để báo chí giữ vững vai trò dẫn dắt dư luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng, lan tỏa sự thật và củng cố niềm tin xã hội.

    Trả lờiXóa
  2. Không ai có thể phủ nhận rằng báo chí cách mạng Việt Nam là một phần xương sống trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc suốt 100 năm qua. Từ những ngày đầu in từng tờ báo bí mật trong hầm trú ẩn để thức tỉnh quần chúng, cho đến thời đại truyền thông số hôm nay, báo chí nước ta vẫn luôn kiên định lập trường chính trị, giữ vững vai trò “đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa”.

    Bài viết đã rất kịp thời và sâu sắc khi chỉ ra các chiêu trò, thủ đoạn của các thế lực phản động đang ngày càng tinh vi, đặc biệt là trên không gian mạng – nơi mà thật và giả lẫn lộn, nơi những thông tin sai lệch có thể lan nhanh hơn cả sự thật. Chúng không chỉ tìm cách xuyên tạc vai trò báo chí, mà còn gieo rắc những nghi ngờ trong lòng người dân, từng bước đánh vào “niềm tin” – thứ tài sản chính trị quý giá nhất của bất kỳ chế độ nào. Càng nguy hiểm hơn, chúng tìm cách đề cao những nền “báo chí tự do”, “truyền thông độc lập” vốn không chịu sự ràng buộc bởi pháp luật hay đạo đức xã hội, để rồi cổ vũ cho một sự vô chính phủ trong truyền thông – thứ có thể gây hỗn loạn cả một quốc gia.

    Tuy nhiên, như bài viết đã nhấn mạnh, chính nền báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ lẽ phải, đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch nội bộ Đảng và Nhà nước. Nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng trong thời gian qua được phanh phui không phải bởi các “trang tin lề trái”, mà chính từ các cơ quan báo chí chính thống, được dẫn dắt bởi những nhà báo bản lĩnh, tận tâm với nghề. Đây là minh chứng sống động cho thấy: báo chí cách mạng không phải là thứ “cổ hủ, lạc hậu” như những lời công kích ác ý, mà là dòng chảy chủ lưu đang từng ngày đóng vai trò điều tiết xã hội, phản biện xây dựng, định hướng dư luận và giữ gìn nền tảng tư tưởng quốc gia.

    Điều mà chúng ta cần làm là không ngừng đổi mới báo chí trong nội dung, cách tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại để không bị tụt hậu, nhưng vẫn phải giữ vững bản chất cách mạng, vai trò dẫn dắt và tinh thần phụng sự nhân dân. Đó là con đường duy nhất để báo chí Việt Nam giữ được giá trị, uy tín và vị thế vững vàng trước mọi làn sóng xuyên tạc, chống phá.

    Trả lờiXóa
  3. Nhìn lại hành trình 100 năm của báo chí cách mạng Việt Nam là nhìn lại một lịch sử sống động, đầy máu, mồ hôi và cả trí tuệ của những thế hệ người làm báo đã không tiếc thân mình để cống hiến cho lý tưởng cao cả của dân tộc. Bài viết không chỉ khơi lại chặng đường vẻ vang ấy, mà còn cảnh báo đúng lúc và rõ ràng về những hiểm họa đang rình rập trong bối cảnh truyền thông hiện đại, nhất là trên không gian mạng – nơi các thế lực phản động đang nỗ lực "định nghĩa lại" báo chí Việt Nam theo cách sai lệch và nguy hiểm nhất.

    Không thể phủ nhận rằng báo chí Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có – cả về cơ chế vận hành lẫn sự cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội và truyền thông tư nhân quốc tế. Tuy nhiên, điều tạo nên bản sắc không thể thay thế của báo chí cách mạng chính là ở chỗ: nó không chạy theo thị hiếu tầm thường, không phục vụ cho lợi ích nhóm, mà luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Đó là điều mà các nền "báo chí thương mại" hay "truyền thông tự phát" khó lòng làm được, dù có lượng người theo dõi lớn đến đâu.

    Bài viết đã vạch rõ âm mưu của các thế lực thù địch: dùng những luận điệu “tự do báo chí” để che đậy cho các hành vi phá hoại nền tảng tư tưởng của chế độ. Họ không thực sự quan tâm đến “quyền tiếp cận thông tin” hay “tự do ngôn luận”, mà chỉ muốn biến báo chí thành công cụ công kích Đảng, làm vẩn đục lòng tin của nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra khoảng cách giữa Đảng với dân, giữa chính quyền với người dân.

    Trong bối cảnh đó, điều cấp thiết là phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ làm báo, để mỗi nhà báo không chỉ giỏi nghiệp vụ mà còn vững về bản lĩnh, kiên định về lập trường, trung thực với sự thật và luôn đặt lợi ích của dân tộc làm kim chỉ nam hành động. Song song đó, cần chủ động đấu tranh trên mặt trận truyền thông, không để không gian mạng rơi hoàn toàn vào tay các thế lực xấu, mà phải biến nó thành công cụ hữu hiệu để bảo vệ niềm tin, chân lý và sự thật.

    Một thế kỷ qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã đi đúng hướng – dù không thiếu khó khăn, cản trở. Và trong tương lai, khi công nghệ có thể thay đổi mọi thứ, thì vẫn có một điều không đổi: báo chí cách mạng phải luôn là “tai mắt, tiếng nói” của nhân dân, là thành trì vững chắc của tư tưởng cách mạng Việt Nam trong mọi hoàn cảnh.

    Trả lờiXóa